Quá trình gieo trồng, lúa sinh trưởng, phát triển không đồng đều. Trên cùng một thửa ruộng có cây lúa đã bắt đầu chín, còn một số vẫn chưa làm đòng hoặc đang phơi màu.
Lẫn giống
Ông Đoàn Xuân Nụ ở xóm Nhâu (xã Liên Minh) cho biết, vụ mùa năm trước gia đình ông mua giống U17 ở Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện Võ Nhai thì năng suất cao, đạt khoảng 2 tạ/sào và chất lượng gạo rất tốt. Năm nay, do Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện hết loại giống này nên gia đình ông mua ở một cửa hàng ở chợ Tràng Xá. Khi gieo cấy, gia đình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thường xuyên nên cây lúa phát triển tốt. Nhưng đến giữa chừng thì một số diện tích lúa đã làm đòng, một số lúa đã sắp chín, có nơi thì lại chưa làm đòng.
Chủ một hộ khác, anh Đào Đắc Trường (xóm Nhâu) cho biết, gia đình anh có 10 sào lúa U17 tại cánh đồng Bưỡng thì toàn bộ diện tích lúa này làm đòng không đều nhau. Trên cùng một thửa ruộng thì khoảng 1/3 diện tích đã chín, còn lại 2/3 lúa mới bắt đầu làm đòng. Nếu được thu hoạch thì cũng chỉ đạt khoảng 20kg/sào, không đủ chi phí thuê máy gặt. Tính cả công làm đất, gieo cấy, giống, phân bón thì thiệt hại khoảng hơn 750 nghìn đồng/sào. Theo nhận định của anh Trường, nguồn giống trôi nổi nên bị lẫn giống, có nhiều cây lúa như là giống Khang dân, hay TH 3-3.
Ông Hoàng Văn Thượng (Chủ tịch UBND xã Liên Minh) cho biết, ngay sau khi thấy lúa làm đòng không đều nhau trên diện tích lớn, UBND xã Liên Minh đã báo cáo với Phòng NN-PTNT huyện. Sau đó, huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tỉnh đến kiểm tra đánh giá thực trạng.
Qua kiểm tra, có 102 hộ dân ở 2 xóm Nhâu và Vang bị hiện tượng lúa làm đòng không đều, với diện tích gần 20ha. Trong đó, có nhiều hộ dân gieo cấy toàn bộ loại giống U17 nói trên.
Ông Hoàng Kim Trung (Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Võ Nhai) cho hay, qua kiểm tra, nhận định thì nguyên nhân chủ yếu do người dân mua phải giống có lẫn nhiều loại giống khác nhau. Do vụ mùa năm nay, cơ cấu giống của tỉnh và huyện không có loại giống U17 nên người dân đã tự mua giống trôi nổi trên thị trường nên mới xảy ra tình trạng trên. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra, tìm giải pháp tháo gỡ.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cùng với cơ quan chức năng của huyện Võ Nhai xuống kiểm tra thực tế và kết luận là do “lẫn giống”.
Khi cơ quan chức năng tiến hành thu bao bì, có nhãn mác của các công ty cung ứng giống. Tuy nhiên, phần nhãn U17 lại được ghi và dán vào bao bì chứ không được in chìm.
Vì vậy, cơ quan chức năng nhận định, do năm nay giống lúa U17 khan hiếm nên có thể một số cơ sở cung ứng giống tự đóng gói để bán cho người dân...
Trên cơ sở thông tin người dân cung cấp, cơ quan chức năng đã làm việc với đại lý của ông Nguyễn Văn Thắng, có địa chỉ tại xóm Làng Đèn, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Tuy nhiên, chủ cửa hàng đã không thừa nhận.
Các hóa đơn chứng từ mua bán giữa người dân và cửa hàng cũng không có nên không đủ chứng cứ để xử lý cũng như yêu cầu đền bù thiệt hại cho người dân.
Ông Lương Văn Vượng (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên) cho biết, việc người dân tự ý trồng cấy giống không nằm trong cơ cấu lại mua nguồn giống trôi nổi sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Đối với đặc trưng của một số địa bàn vùng cao, các tiểu thương bán giống tại các chợ phiên nên lực lượng chức năng không thể kiểm soát được.
|
"Việc mua giống lẫn của người dân tại xã Liên Minh mà không có căn cứ để xử lý đơn vị cung ứng giống một lần nữa đòi hỏi nâng cao vai trò quản lý, tổ chức kiểm tra, đồng thời tuyên truyền tốt đến bà con nông dân. Mặt khác, người dân phải thực cảnh giác, chọn mua giống tại các cơ sở uy tín, khi mưa phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng", ông Vượng nói.