Thời điểm cuối năm các trung tâm, siêu thị điện máy đua nhau tung khuyến mãi, giảm giá 30%-50% để giải phóng hàng tồn. Tuy nhiên, trong "rừng" chiêu dụ người mua này, người tiêu dùng cần phải bình tĩnh so sánh giá cả tại nhiều nơi để tránh mua nhầm giá cao.
Đủ chiêu lôi kéo khách hàng
Không chỉ đơn thuần là giảm giá mà nhà bán lẻ còn tìm đủ mọi cách để người tiêu dùng thấy có nhiều ưu đãi như tặng quà, tặng phiếu mua hàng, tặng thêm bộ sản phẩm, tặng thêm thời gian bảo hành, tặng công lắp đặt, kể cả được trả góp… Ngoài những ưu đãi trên khách hàng còn được giảm giá tiếp tục khi thanh toán bằng thẻ qua ngân hàng đã được liên kết với nhà bán lẻ.
Chưa hết nhà bán lẻ còn tung chiêu chấp nhận cho người mua đổi hoặc trả hàng lên đến cả tháng chứ không phải năm, bảy ngày như những năm trước (nhưng khi tìm hiểu muốn được đổi hoặc trả thì phải có điều kiện sản phẩm đó bị lỗi kỹ thuật). Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên vội chọn mua khi thấy quá nhiều ưu đãi mà cần tìm hiểu kỷ với những món quà tặng thêm cộng với giá giảm có thật sự là tốt nhất chưa hay đó chỉ là đòn tung hoả mù từ nhà bán lẻ.
Như tại trung tâm thương mại M.M (quận 2, TP HCM) bán chiếc tvi Bravia Sony KDL-43W750E là 14,9 triệu đồng, trong khi tại điện máy G.T (quận 5, TP HCM) chỉ có 10,490 triệu đồng. Hoặc tivi Led Samsung UA 40K5100 có giá 7,119 triệu đồng, trong khi một chuỗi siêu thị điện máy lớn khác lại bán với 6,89 triệu đồng. Tương tự, tủ lạnh Aqua 281 lít với giá ưu đãi 7,2 triệu đồng tại chuỗi trung tâm điện máy K. với quà tặng là bình đun nước siêu tốc mà theo giá thị trường chỉ khoảng trăm ngàn đồng. Trong khi tìm hiểu nơi khác cho thấy cũng chiếc tủ lạnh này nhưng giá bán chưa tới 6 triệu đồng. Hay máy giặt Electrolux 11 kg có nơi niêm yết giá 21,89 triệu đồng, nơi khác lại bán chưa tới 16 triệu đồng.
Người tiêu dùng "lạc" vào rừng khuyến mãi, giảm giá hàng điện máy dịp cuối năm. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngoài giảm giá, tặng quà, nhà bán lẻ điện máy còn có chiêu khuyến mãi bằng cách tặng phiếu mua hàng, tặng phiếu mua bộ sản phẩm trị giá đến vài triệu đồng. Nhưng thực tế những phiếu mua hàng trị giá vài trăm ngàn đồng cho đến 1 triệu đồng chỉ mua được những sản phẩm điện gia dụng với giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu. Hoặc khách hàng chỉ mua những món đồ mà nhà bán lẻ quy định sẵn, không được lựa chọn.
Theo giới kinh doanh vào thời điểm cuối năm cũng là lúc giải phóng hàng tồn tại kho của các nhà bán lẻ, trong đó có cả hàng trưng bày. Ngay cả các hãng điện máy cũng phải giải phóng hàng tồn nên họ chấp nhận giảm giá mạnh để đẩy hàng đi nếu không để sang năm sau rất khó tiêu thụ vì model mới 2018 tràn ngập. Thậm chí còn bị mang tiếng cung cấp hàng model cũ ra thị trường. Nguồn hàng này có giá giảm đến vài chục phần trăm. Còn những mặt hàng nhập khẩu từ các thương lái bị tồn khó tiêu thụ thì mức giá còn giảm mạnh hơn nhiều. Do đó, nhà bán lẻ tiêu thụ nguồn hàng này sẽ được hưởng lợi kép, tức họ đưa ra mức giá cao như hồi đầu năm rồi tung chiêu giảm giá 10%, 20% thậm chí 30% thì vẫn còn lời khá cao chứ không mất đồng nào.
Cửa hàng điện máy vẫn sống khoẻ
Các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM thừa nhận thị trường điện máy hiện nay nếu không tổ chức khuyến mãi, giảm giá thì rất khó bán được hàng. Không phải như chục năm về trước khách đến mua hàng nườm nượp, đông vui, không cần tổ chức khuyến mãi họ cũng đến. Do đó các trung tâm, siêu thị điện máy hầu như tháng nào cũng phải tổ chức khuyến mãi giảm giá. Những tháng bình thường thì chọn ra vài món để làm chương trình, còn những tháng cuối năm thì phải làm rầm rộ hơn nếu không sẽ "chết".
Tuy nhiên, thực tế các trung tâm, siêu thị điện máy do phải tốn nhiều chi phí khiến giá bán bị đội lên khá nhiều so với giá trị thực, nên dù giảm giá, khuyến mãi đến mấy vẫn không thể thấp hơn các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc các shop online do tốn ít chi phí hơn. Ông Trần Thanh Quang, chủ một cửa hàng điện máy tại quận 11, TP HCM, cho biết cửa hàng ông có bao giờ khuyến mãi, giảm giá gì đâu mà giá vẫn luôn rẻ hơn siêu thị, trung tâm điện máy nên họ vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Sở dĩ cửa hàng có giá bán thấp hơn các đại gia khác là nhờ không phải gánh chi phí mặt bằng, điện, nước quá lớn, cũng như không có chi phí quản lý, quảng cáo nên vẫn tồn tại cùng các nhà bán lẻ lớn. Ngoài ra, nếu lấy hàng càng nhiều từ nhà phân phối sẽ được chiết khấu cao. Nhờ đó mà giá bán ở các cửa hàng luôn "dễ chịu".
Theo Ban quản lý chợ Dân Sinh (quận 1, TP HCM), các mặt hàng tại chợ trong đó có hàng điện gia dụng có giá bán thường thấp hơn siêu thị, trung tâm điện máy từ 10%-15%, thậm chí 20%. Người bán ở đây khá linh hoạt, chỉ cần thấy có lãi một ít là họ bán. Các mối lái còn cho họ "gối đầu", lấy hàng trước trả tiền sau. Chi phí của họ cũng thuộc dạng thấp nhất, có thể nói lấy công làm lời nên có lượng khách thuộc dạng trung thành.
Ông Lê Minh Lâm có thâm niên hơn 30 năm kinh doanh hàng điện máy tại khu Chợ Lớn (quận 5, TP HCM), cho biết sở dĩ các cửa điện máy vẫn "sống" được là nhờ vào lượng khách là những người lớn tuổi, họ vẫn tìm đến cửa hàng để mua sắm cũng như thích không gian yên tĩnh, trò chuyện trực tiếp với chủ cửa hàng từng món đồ. Tại cửa hàng có cả những dòng sản phẩm "độc" tuy mẫu mã không đẹp nhưng có độ bền rất cao đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Còn giới trẻ họ thích vào siêu thị hơn do có không khí sôi động cũng như nhiều hàng hoá để tham khảo.
Hàng Trung Quốc nhái thương hiệu Mỹ, Nhật
Ghi nhận của phóng viên tại một số trung tâm, siêu thị điện máy hiện nay có tình trạng nhiều mặt hàng máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, đồ điện gia dụng mang thương hiệu na ná các thương hiệu nổi tiếng, hoặc có cái tên mang âm hưởng Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ được bày bán khá nhiều. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh những dòng sản phẩm trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Tức một số người sang Trung Quốc đặt hàng theo kiểu gia công, thích nhãn hiệu gì thì đặt tên vào. Các xưởng ở Trung Quốc có thể cung cấp đầy đủ vật tư, nguyên phụ liệu muốn sản xuất sản phẩm gì cũng được. Do đó ngày càng có nhiều người tìm đến Trung Quốc để đặt hàng hoặc tự thuê nhà xưởng để sản xuất theo ý muốn. Sau đó hàng hoá được đưa về Việt Nam tiêu thụ giống như nhãn hàng riêng.