Mua sắm online có nhiều tiện ích nhưng cũng đầy rủi ro, dưới đây là những kinh nghiệm giúp bạn không bao giờ bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng xã hội.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân tự bảo vệ mình bằng cách mua bán hàng qua mạng. Thậm chí, thay vì ăn tại quán, dân văn phòng gọi giao đồ ăn tận nơi.
Mặc dù rất tiện ích nhưng dịch vụ mua hàng trên mạng cũng tiềm ẩn nhiều cạm bẫy, nếu không cẩn thận người tiêu dùng sẽ rất dễ bị lợi dụng.
Tạo Facebook giả người bán hàng có uy tín
Các đối tượng lừa đảo này bỏ thời gian theo dõi, tìm hiểu rất kĩ các shop bán hàng online có uy tín, có nhiều khách mua. Chúng lập Facebook giả y hệt người bán, tìm cách kết bạn với càng nhiều người quen của người bán càng tốt để tạo vỏ bọc như thật, rồi kết bạn với nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm cao để "săn mồi". Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của chúng là câu kéo các nạn nhân mua hàng theo chương trình giảm giá và yêu cầu khách chuyển khoản đặt cọc trước.
Mua hàng trên mạng người mua có thể gặp rất nhiều rủi ro. Ảnh minh họa |
Giả vờ giảm giá
Một kiểu lừa đảo mới xuất hiện khiến người mua phải chấp nhận mua sản phẩm giá cao hơn thị trường, đó là đối tượng đăng tin bán sản phẩm chỉ bằng 30 - 50% so với giá thật trên thị trường, nhưng yêu cầu người mua chuyển trước 50% giá trị tiền hàng. Sau đó điện thoại thông báo tới người mua đăng nhầm và đưa giá mới cao hoặc hơn giá trên thị trường, vì đã trót chuyển tiền nên người mua đành phải chấp nhận giá mới.
Nhận tiền cọc rồi… tháo chạy
Nhiều người bán hàng online còn có những chiêu giật tiền của khách hàng vô cùng tinh vi, kín kẽ. Chiêu lừa đảo cơ bản nhất là người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Để lấy được tiền của khách hàng, những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng, nếu không sẽ không mua được giá đó.
Thậm chí, chúng còn cử đồng bọn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất "món hời" nên người mua đành vội vàng chuyển tiền và rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.
Ăn cắp thông tin khách hàng
Đây là "vấn nạn" chung làm đau đầu những người bán hàng online chân chính. Facebook của người kinh doanh qua mạng uy tín luôn bị các đối thủ kinh doanh chầu chực theo dõi. Hễ ai comment hay thậm chí chỉ like bài viết giới thiệu sản phẩm, là ngay lập tức nhóm đối tượng này kết bạn Facebook, rồi nhắn tin "rỉ tai" bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.
Không ít người mua vì ham giá rẻ, không tìm hiểu thông tin kĩ càng mà nhắm mắt mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng chất lượng kém.
Giả dạng cửa hàng và khách hàng
Tinh vi hơn là kiểu lừa đảo "hai mang", lợi dụng các shop bán hàng thật để chiếm đoạt tài sản. Những kẻ lừa đảo sẽ giả dạng một shop bán hàng có thật, có uy tín trên thị trường và giả làm nhân viên bán hàng ở đó (bằng cách lập website giả hoặc Facebook giả…) để liên hệ với khách hàng.
Khi khách hàng chọn mua được sản phẩm tại shop thật, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền và cung cấp thông tin cho mình (như mã đơn hàng, mã giao dịch chuyển tiền, thông tin người nhận hàng…). Có thông tin trong tay, kẻ gian liền tới shop thật, mạo danh là khách hàng đã chuyển tiền, lấy hàng và "mất tích", người mua đợi không thấy giao hàng, đến lúc hỏi ra thì đã không thể tìm được kẻ mạo danh.
(Theo GiadinhNet)