Nhiều nước trên thế giới đang trải qua một mùa hè rực lửa, kỳ lạ và nguy hiểm khi các kỷ lục về nhiệt độ cao không ngừng bị phá, gây ra tình trạng hạn hán và nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng.
Những kỷ lục không mong muốn
Theo Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), ít nhất 118 kỷ lục về nắng nóng đã bị phá vỡ hoặc tái hiện khắp thế giới tính từ đầu năm đến giờ. Nhiều nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu có liên quan đến hiện tượng đáng lo ngại này. Hoạt động của con người, chủ yếu là việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đã làm gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển, từ đó đe dọa khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan thêm nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn.
"Chúng tôi có bằng chứng rất mạnh mẽ rằng tình trạng toàn cầu ấm dần làm tăng nguy cơ xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, như nắng nóng hoặc mưa to" - nhà khoa học thời tiết Noah Diffenbaugh tại Trường ĐH Stanford (Mỹ) nhận định với hãng tin AP.
Cảnh báo trên không phải không có cơ sở khi mùa hè năm nay chứng kiến thời tiết nắng nóng xuất hiện ở những nơi ít ai ngờ tại châu Âu như Hà Lan, Thụy Điển, Ireland, Na Uy, Phần Lan… Tại thị trấn Sodankyla ở Phần Lan, nhiệt độ hôm 17-7 tăng lên mức cao kỷ lục 32 độ C. Đây là con số đáng chú ý bởi địa phương này chỉ cách vòng Bắc Cực - khu vực thường được biết đến với thời tiết giá lạnh nhưng cũng vừa ghi nhận mức nhiệt độ 30 độ C - 95 km.
Một kỷ lục mới không mong muốn về nhiệt độ cũng vừa được xác lập tại Na Uy - miền Bắc vào tuần rồi nóng đến 33 độ C, cao hơn 15 độ C so với bình thường. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự đoán nhiệt độ sẽ tiếp tục cao hơn bình thường tại bán đảo Scandinavia và các nước Baltic cho đến đầu tháng 8.
Trong khi đó, nước Anh đang trải qua mùa hè khô hạn nhất kể từ khi số liệu liên quan được thống kê vào năm 1961. Cơ quan thời tiết đã thúc giục người dân tránh ánh nắng mặt trời khi nhiệt độ trong tuần này có lúc lên đến 37 độ C. Mệt mỏi không kém, người dân Đức hôm 26-7 chịu đựng ngày nóng nhất từ đầu năm đến giờ với nhiệt độ tại TP Cologne tăng lên 37 độ C. Theo đài DW, hiểm họa cháy rừng đang phủ bóng miền Bắc nước này sau khi một số vụ đã bùng phát ở làng Fichtenwalde, gần thủ đô Berlin và bang Saxony-Anhalt.
Hà Lan đã ghi nhận 1.143 vụ cháy rừng trong 25 ngày đầu tiên của tháng 7, trong lúc nhà chức trách Thụy Sĩ ban bố cảnh báo nắng nóng tại miền Nam đất nước. Còn tại Thụy Điển, 17 vụ cháy rừng vẫn đang xảy ra khắp nước giữa lúc nhiệt độ tăng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay tại một số khu vực ở miền Nam (34,6 độ C). Trang tin The Local thậm chí cho rằng quốc gia Bắc Âu này đang trải qua tháng 7 nóng nhất trong ít nhất 260 năm qua.
Một số nước châu Âu khác như Bỉ, Pháp cũng chứng kiến nhiệt độ có khi tăng lên 34-37 độ C. Dù vậy, không nước châu Âu nào hứng chịu hậu quả bi thảm của những vụ cháy rừng trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao như Hy Lạp - nơi vừa xảy ra vụ cháy rừng khiến ít nhất 87 người thiệt mạng ở khu nghỉ dưỡng Mati hồi đầu tuần này. Trong lúc nhà chức trách nghi đây là vụ cố ý phóng hỏa, người dân đã chỉ trích chính quyền không có những biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Vụ cháy rừng tại hạt Shasta, bang California - Mỹ hôm 27-7 Ảnh: REUTERS
Đe dọa sức khỏe con người
Thời tiết tại Mỹ trong những ngày qua cũng không có gì khá hơn với nhiệt độ bình quân đang tăng nhanh khắp nước, theo tờ The Washington Post. Trong đó, miền Tây Bắc dự kiến phải chịu đựng thời tiết nóng bức cho đến cuối tháng 7. Riêng bang California gần đây ghi nhận 2 kỷ lục mới về nhiệt độ cao - 48,9 độ C tại TP Chino hôm 6-7 và 47,2 độ C tại TP Los Angeles một ngày sau đó.
Ngoài ra, ít nhất 89 vụ cháy rừng lớn được ghi nhận khắp nước Mỹ tính đến ngày 27-7, thiêu rụi một diện tích gần 365.000 ha. Trong số này, vụ cháy rừng tại hạt Shasta, miền Bắc bang California, khiến 2 lính cứu hỏa thiệt mạng, đang đe dọa hàng ngàn ngôi nhà và buộc 37.000 cư dân đi sơ tán hôm 27-7. Lính cứu hỏa đang vật lộn với việc kiểm soát đám cháy đã thiêu rụi khoảng 19.500 ha đất đai này.
Không chỉ góp phần dẫn đến cháy rừng, nắng nóng còn đe dọa đến sức khỏe người lao động, nhất là những người làm việc ngoài trời và tác động tiêu cực đến nền kinh tế hàng đầu thế giới. Số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho thấy hơn 15 triệu người đang làm những công việc đòi hỏi họ có lúc phải ra ngoài trời và nhiệt độ cao có thể đe dọa đến tính mạng họ.
Trang Vox đã điểm lại một số trường hợp người lao động Mỹ tử vong trong lúc làm việc dưới cái nắng gay gắt ngoài trời thời gian gần đây. Chẳng hạn, anh Miguel Angel Guzman Chavez, 24 tuổi, thiệt mạng vì sốc nhiệt khi đang làm việc ngoài cánh đồng ở bang Georgia vào tháng rồi khi nhiệt độ lên đến 40,5 độ C.
Theo BLS, nhiệt độ cao đã khiến 783 người lao động thiệt mạng và 69.374 người bị thương tại Mỹ trong giai đoạn 1992-2016. Với sự biến đổi của khí hậu, các đợt nắng nóng nhiều khả năng sẽ thêm khắc nghiệt và kéo dài, từ đó đe dọa đến sức khỏe và sinh kế của ngày càng nhiều người dân.
Ngay cả những người làm việc trong môi trường nhiệt độ điều hòa cũng khó tránh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu của Quỹ Sinh thái học toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Mỹ thiệt hại 360 tỉ USD/năm vào năm 2028, phần lớn xuất phát từ chi phí chăm sóc sức khỏe.
Bão Jongdari gây ra mưa to, gió lớn ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản ngày 28-7 Ảnh: REUTERS
Nhật Bản hứng thiên tai liên tiếp
Jongdari, cơn bão số 12 tấn công Nhật Bản, đổ bộ vào phía Đông đảo chính Honshu của nước này vào cuối ngày 28 đầu ngày 29-7. Với sức gió lên đến 180 km/giờ, Jongdari có thể gây mưa lớn trong suốt 24 giờ tiếp theo - theo Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA). Tiếp đó, Jongdari di chuyển sang phía Tây, đe dọa các tỉnh Okayama, Hiroshima và Ehime. Cả 3 tỉnh này đều hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng từ đợt mưa lũ kỷ lục khiến ít nhất 225 người thiệt mạng hồi đầu tháng này.
JMA cảnh báo người dân sơ tán càng sớm càng tốt bởi các nguy cơ gió mạnh, sóng cao, lở đất và nước sông gây lũ lụt. Jongdari mạnh lên thành bão từ tối 26-7.
Nhật Bản chỉ mới thoát khỏi đợt nắng nóng khắc nghiệt tới mức nước này phải công bố "thảm họa thiên nhiên". Khoảng 80 người thiệt mạng khi nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục 41,1 độ C gần thủ đô Tokyo. Ngoài ra, hơn 20.000 người phải nhập viện điều trị.
Phạm Nghĩa