Sau thương vụ M&A trị giá 3,6 tỷ USD giữa Maersk và LF Logistics hồi tháng 8/2022, cả Maersk và LF Logistics đặt mục tiêu tiến sâu hơn vào thị trường logistics đang rất tiềm năng tại Việt Nam, đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới logistics toàn cầu với năng lực lưu kho, phân phối và cung ứng toàn diện được tối ưu hóa dữ liệu và hỗ trợ bởi công nghệ.
Việt Nam hiện được đánh là nước có Chỉ số Hiệu suất Hậu cần cao hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Theo xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu và tỉ lệ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2022 – 2023 của thị trường logistics Việt dự báo đạt 5,5%.
Ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk châu Á - Thái Bình Dương (phải) và ông Kevin Burrell, Giám đốc điều hành khu vực của Maersk Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào (trái).
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam, ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, sự sáp nhập giữa hai công ty đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng tại khu vực, trong đó có Việt Nam. "Cùng với nhân lực cốt lõi, chúng tôi còn có cơ sở vật chất, kho bãi, công nghệ của mình chúng tôi có thể giúp cho tất cả các nhà máy ở Việt Nam có thể vận chuyển hàng hóa của mình đi khắp nơi trên thế giới", ông Ditlev nói.
Từ việc nhìn thấy sự trỗi dậy của thị trường tiêu dùng Châu Á và lợi thế của LF logistics khi đang sở hữu 223 trung tâm phân phối lớn trên toàn châu lục, với khoảng 2,7 triệu mét vuông kho bãi, Maersk đã có thêm chiến lược tiến sâu vào mảng hoàn tất đơn hàng phục vụ khách hàng đa kênh.
"Khi chúng tôi nhìn vào chuỗi cung ứng của mình, có lẽ chúng tôi còn thiếu một mảnh ghép nữa đó là hoàn tất đơn hàng, phục vụ khách đa kênh, chúng tôi nghĩ rằng khi tích hợp mảnh ghép cuối cùng này cùng LF Logistics cho phép chúng tôi không chỉ phục vụ khách hàng bán sỉ, bán bán lẻ truyền thống mà còn giúp chúng tôi vươn xa hơn đến những khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử", ông Kevin Burrell, Giám đốc điều hành khu vực của Maersk Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào cho biết.
Khi thương vụ mua lại hoàn tất, đồng nghĩa với việc khách hàng của hai công ty sẽ được tiếp cận hệ thống 450 nhà kho tổng hợp toàn cầu, trải dài hơn 6 triệu mét vuông. Cùng với năng lực vận chuyển có sẵn nền tảng và công nghệ, yếu tố lợi thế cạnh tranh này giúp hãng vận tải có lợi thế khi tiến sâu vào chuỗi cung ứng, hoàn thiện đơn hàng đa kênh tại thị trường Việt Nam.
Là công ty dẫn đầu về hậu cần toàn cầu, hoạt động tại hơn 130 quốc gia và có hơn 100.000 nhân viên trên toàn thế giới, Maersk cũng nhấn mạnh các cam kết của mình đối với các mục tiêu bền vững cùng mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2040. Các mục tiêu giảm thiểu carbon dựa trên cơ sở khoa học và số hóa các hoạt động nhằm hướng đến dòng chảy thương mại bền vững hơn đều nằm trong tầm nhìn của cả hai công ty trong những thập kỷ tới.