Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay 2% một năm với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà.
Năm 2020, vợ chồng anh Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) có mua 1 nhà đất 30m2 ở Long Biên với giá hơn 2 tỷ đồng. Sau khi tính toán, cân đối tài chính rất kỹ hai vợ chồng anh vay ngân hàng hơn 1 tỷ mua nhà. Trong năm 2020, nhờ tính toán chủ động chi tiêu nên gia đình anh trả cả gốc lẫn lãi theo đúng tiến độ mà vẫn đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Nhưng sang đến năm 2021, dịch bùng phát, cả hai vợ chồng đều làm trong ngành dịch vụ nên thu nhập bị sụt giảm. Vài tháng trở lại đây gia đình phải chật vật vay mượn mới lo được tiền trả ngân hàng.
Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn (Ảnh minh hoạ) |
“Vừa lo trả nợ ngân hàng rồi tiền sinh hoạt hàng ngày khiến cuộc sống của chúng tôi rất căng thẳng nhất là đến kỳ thanh toán tiền nhà. Dịch bệnh cứ kéo dài khó khăn quá chắc chỉ còn đường cắt lỗ bán nhà” – anh Hải thở dài.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Trước thực tế trên, HoREA vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 trong đó nhấn mạnh để tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và về quy trình thủ tục hành chính.
Về cơ chế chính sách tín dụng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2% một năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nợ xấu với khoản vay đến hạn.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp địa ốc được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.
Đối với người mua nhà, cần có chính sách tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, đồng thời hỗ trợ cho vay đối với người mua nhà ở thuộc phân khúc bình dân, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Về chính sách thuế, HoREA đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, cũng như xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần kéo giảm giá nhà và giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19.
Việc giảm lãi suất có ý kiến cho rằng đây là việc cần thực hiện để giúp doanh nghiệp cũng như người dân mua nhà hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến e ngại rằng, với mức lãi suất cho vay bất động sản như hiện nay đã giảm rất nhiều so với trước đây, nếu tiếp tục giảm nữa, nguy cơ rủi ro cho thị trường là rất cao.
Theo khảo sát, hiện tại lãi suất cho vay ưu đãi được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5%/năm đến 8,5%/năm.
Từ giữa tháng 7, một số ngân hàng liên tiếp ra thông báo giảm lãi suất cho vay mua nhà nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2% so với lãi suất hiện hành, trong đó có nhóm khách hàng kinh doanh resort, khách sạn.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) giảm lãi suất 2%/năm so với lãi suất hiện hành tại địa bàn khu vực phía Nam và giảm 1,5% tại địa bàn khác đối với khách hàng cá nhân mua nhà để ở.
Vietcombank cũng thông báo giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021, trong đó giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Theo chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà là chính sách phù hợp, nhưng phải có phương án hợp lý để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ tạo "bong bóng" bất động sản.
Thuận Phong