Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một cuộc cách mạng tiêu dùng thực sự đang diễn ra ở Triều Tiên. Một nhà quan sát của Mỹ chuyên nghiên cứu về Triều Tiên mô tả: “Người dân có cơ hội kinh doanh và mua bán các mặt hàng tiêu dùng lớn chưa từng có trong lịch sử quốc gia này”. Theo đó, ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên bắt đầu xuất hiện các tiệm bánh pizza, quán café, quán bar hay các cây xăng tư nhân.
Những biến đổi mạnh mẽ về tiêu dùng Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của quốc gia này. Mỹ hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ ngăn chặn tham vọng hạt nhân và chương trình vũ khí phát triển mạnh mẽ của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ở quốc gia bí ẩn này, chính phủ đang cho phép người dân kinh doanh nhiều hơn, thậm chí khuyến khích cạnh tranh giữa các công ty tư nhân nhỏ. “Ở Triều Tiên, bạn có thể nhìn thấy những công ty tư nhân. Một cửa hàng, một công ty mỹ phẩm… là ví dụ dễ thấy nhất. Người dân có thể điều hành công ty của riêng mình và giữ lợi nhuận từ đó”, Andray Abrahamian, chuyên gia về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhấn mạnh.
Kim Byung-yeon, giáo sư kinh tế của Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng, ông Kim Jong Un đẩy mạnh kinh tế thị trường hơn so dưới thời cha ông. Những sự thay đổi đó cũng trùng hợp với sự cải thiện kinh tế ở Triều Tiên. Dù chính phủ không công bố các số liệu nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Triều Tiên là 3,9% vào năm 2016, nhanh nhất kể từ năm 2000. Sự tăng trưởng của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh quốc gia này bị quốc tế trừng phạt.