Ở thời điểm hiện tại, các công ty chứng khoán của Nhật Bản đang tăng tốc "miễn phí" giao dịch cho các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy thêm người trẻ gia nhập thị trường chứng khoán. Hai trong số các công ty môi giới chứng khoán trực tuyến lớn nhất của Nhật Bản gần đây thông báo rằng họ sẽ loại bỏ hầu hết chi phí giao dịch bất kể số dư ra sao cho những nhà đầu tư từ 20-25 tuổi.
Theo chuyên gia phân tích Michael Makdad của Morningstar Inc., bằng cách đưa ra những giao dịch đặt biệt cho người trẻ tuổi, các công ty môi giới tin rằng họ sẽ có những khách hàng tiềm năng trong tương lai. Trong khi đó, giới hạn 25 tuổi được thiết kế để giảm tới mức tối thiểu những tổn của các công ty chứng khoán Nhật. Quốc gia này cũng không có các ứng dụng giao dịch chứng khoán quốc tế như Robinhood hoặc eToro, khiến dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để "máu" đầu tư có thể trở lại ở Nhật Bản. Người dân quốc gia này vẫn giữ thái độ dè dặt với thị trường, nhất là sau sự sụp đổ kinh hoàng trong những năm 1990. Bong bóng tài sản đó phát nổ đã mở ra một thập kỷ trì trệ với nhiều mất mát. Người ta dự đoán cần 30 năm để chứng khoán Nhật phục hồi trở lại.
Dẫu vậy, các chính sách khuyến khích đặc biệt có thể mang đến những làn gió mới. Shiori Shigeno, một sinh viên âm nhạc ở Tokyo – người đang làm bán thời gian trong một quán bar, đang tỏ ra rất lưu tâm tới những thay đổi mới này.
Lần đầu tiên, cô giá 21 tuổi thấy có lý do để đầu tư. Cô ấy mua 4 cổ phiếu của một trong những nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., với giá 3.000 yên, khoảng 27 USD. Nó tương đương với 2 bữa ăn trưa ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi kể chuyện đầu tư với bố mẹ, họ đã rất lo lắng. "Họ bảo rằng đánh chứng khoán cũng như đánh bạc. Mẹ còn dặn tôi phải cẩn thận. Những người ở độ tuổi của bố mẹ tôi rất thận trọng vì những gì họ đã trải qua trong quá khứ", Shiori Shigeno chia sẻ.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tiền mặt chiếm hơn một nửa tài sản hộ gia đình ở Nhật Bản. Mặc dù lãi suất chỉ được duy trì ở mức dưới 1% trong hơn 25 năm nhưng chưa tới 10% của cải được đầu tư vào cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với 33% ở Mỹ.
Lúc này, xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ giao dịch lấy cảm hứng từ chứng khoán Mỹ đang lan dần tới Nhật Bản sau khi gây ảnh hưởng cho cả thế giới. Các nhà đầu tư cá nhân chiếm 23% khối lượng giao dịch của tháng 6 tính tới thời điểm hiện tại. Nó cao hơn rất nhiều so với 16% của tháng 2 năm 2020.
Rakuten Securities Inc., một công ty môi giới chứng khoán trực tuyến lớn ở Nhật, cho biết 2/3 số tài khoản được mở trong 3 tháng kết thúc vào tháng 3 là những người dưới 30 tuổi. Việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đã khiến việc đầu tư trở nên dễ tiếp cận hơn. Thông thường, Nhật Bản yêu cầu các nhà đầu tư mua tối thiểu 100 cổ phiếu trong mỗi giao dịch. Nó đòi hỏi một khoản tiền vượt ngoài khả năng của hầu hết người trẻ tuổi.
Chỉ trong những năm gần đây, khi các công ty chứng khoán trực tuyến xuất hiện, nhà đầu tư mới được tạo điều kiện mua những lô cổ phiếu nhỏ hơn. Trong khi đó, giới hạn cũ vẫn được áp dụng ở nhiều công ty chứng khoán truyền thống.
Tomohisa Ishikawa, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Japan Research Institute Ltd., tin rằng một sự thay đổi lớn đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Nhật Bản.
"Trước đây, rất khó để mọi người rút tiền tiết kiệm để đi đầu tư. Giờ đây, họ háo hức hơn với việc mua cổ phiếu. Người trẻ được đào tạo bài bản hơn và họ hiểu được ý nghĩa của việc đa dạng hóa tài sản của mình’, Ishikawa nói.
Những gì đang xảy ra ở Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, khác hoàn toàn so với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất. Tại Mỹ, xuất hiện lo ngại rằng các nhà đầu tư đang chấp nhận rủi ro quá mức đối với tiền của họ. Ví dụ, công ty điều hành hệ thống rạp chiếu phim AMC Entertainment Holdings Inc. đang trên bờ vực phá sản vài tháng trước nhưng bây giờ lại là "con cưng" của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cổ phiếu này đã tăng 2.500% trong năm nay vì niềm tin của các nhà đầu tư, bất chấp những cảnh báo từ giới phân tích.
Trở lại câu chuyện của Shigeno, cô gái trẻ cho biết mình vẫn tiếp tục ý định đầu tư mặc dù cổ phiếu của Mitsubishi UFJ đã giảm hơn 1%. Tuy nhiên, khoản tiền tiếp theo Shigeno sẽ không dùng đầu tư vào các ngân hàng mà lựa chọn cổ phiếu của một công ty liên quan đến âm nhạc để mua.
"Bạn bè xung quanh tôi chẳng ai đầu tư nên tôi không có chuyện gì để nói với họ. Chỉ duy nhất một người bạn bắt đầu đầu tư sau khi nghe tôi kể về chuyện của mình. Bước đầu lúc nào cũng rất khó khăn", Shigeno cho biết.