NHNN vừa công bố 6 Thông tư mới ban hành vào ngày 25/12 và cập nhật trong 28/12, ngày làm việc cuối cùng trong năm.
Cụ thể, các Thông tư mà NHNN ban hành lần này bao gồm:
Thông tư 36 quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành - hiệu lực từ 15/2/2019.
Thông tư số 37 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 năm 2013 quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - hiệu lực từ 15/2/2019.
Thông tư 38 quy định về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - hiệu lực từ 8/2/2019.
Thông tư 40 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 13 năm 2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNN - hiệu lực từ 12/2/2019.
Thông tư 41 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19 năm 2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng - hiệu lực từ 18/2/2019.
Thông tư 42 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24 năm 2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú hiệu lực từ 1/1/2019.
Thông tư 39 hiện chưa được công bố.
Tính đến 25/12, NHNN đã ban hành 42 thông tư
Trong đó, Thông tư 41 và Thông tư 42 đều trực tiếp tác động đến khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Quy định về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ trông Thông tư 42 có một số điểm khác so với Dự thảo mà NHNN từng công bố trước đó. Cơ quan quản lý chỉ tập trung sửa Điều 3 liên quan đến Các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ thay vì sửa đổi cả Điều 5 về Đồng tiền trả nợ.
Theo Thông tư này, hoạt động Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết 31/3/2019. Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay thực hiện đến hết 30/9/2019.
Riêng hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Đối với trường hợp khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay, Thông tư mới đã mở rộng đường cho hình thức này thay vì giới hạn thời gian như trước đây. Khách hàng vay khi được giải ngân vốn phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.
Còn liên quan đến hoạt động thẻ ngân hàng, Thông tư 41 đã bổ sung quy định về lộ trình đổi thẻ, cụ thể lộ trình chuyển đổi phía tổ chức thanh toán thẻ đến 31/12/2020 và lộ trình chuyển đổi phía tổ chức phát hành thẻ đến 31/12/2021.
Việc chuyển mạch giao dịch thẻ có BIN do TCTQT cấp giữa TCPHT, TCTTT với TCTQT phải được thực hiện thông qua một cổng do một tổ chức chuyển mạch thẻ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vận hành được quy định lùi sang 1/1/2020 để các bên có thời gian triển khai.