Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, mua vào vàng trong ngày Thần Tài (mùng 9 tháng Giêng) sẽ mang tới may mắn suốt cả năm. Vì vậy, mỗi năm, cứ tới ngày này, tại các cửa hàng vàng lớn luôn xảy ra tình trạng người dân xếp hàng từ sáng sớm để mong chờ “thần may mắn”.
Năm nay cũng vậy, từ 3h sáng, người dân Hà Nội đã xếp hàng tại các tiệm vàng nổi tiếng như Bảo Tín Minh Châu, Doji, Phú Quý. Nhu cầu về vàng của khách quá cao khiến giá vàng đi lên. Khách hàng chủ yếu chỉ quan tâm đến giá vàng tăng hay giảm mà không chú ý tới khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra, dẫn đến tình trạng vừa bước ra khỏi cửa hàng là thua lỗ nặng.
Cụ thể, trong ngày vía Thần Tài, giá vàng SJC không phải là sản phẩm được ưa chộng. “Vàng phi SJC” như vàng rồng Thăng Long, vàng SBJ, vàng Doji,… mới là những sản phẩm phục vụ cho ngày Thần Tài. Ngay trước sau giờ mở cửa, giá vàng “phi SJC” đã được các công ty vàng bạc đá quý đẩy tăng đáng kể ở chiều bán ra. Trong khi đó, giá mua vào đồng loạt giảm nhẹ.
Tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, giá vàng Doji niêm yết ở mức: 36,80 triệu đồng/lượng – 37,60 triệu đồng/lượng, giảm 60.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 220.000 đồng/lượng chiều mua vào. Tại công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long giao dịch ở mức 36,80 triệu đồng/lượng – 37,50 triệu đồng/lượng, giảm 140.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng tăng 110.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng “phi SJC” tại nhiều công ty khác cũng “neo” ở mức cao. Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng NPQ ở mức: 36,80 triệu đồng/lượng – 37,20 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Công ty vàng bạc đá quý Sacombank SBJ là đơn vị duy nhất duy trì giá vàng “phi SJC” thấp hơn giá vàng SJC. Cụ thể, giá vàng SBJ giao dịch ở mức: 34,50 triệu đồng/lượng – 36,50 triệu đồng/lượng.
Để có được may mắn, khách hàng chấp nhận mua vào với mức giá cao hơn một chút. Tuy nhiên, họ không để ý trong những dịp nhu cầu mua vào cao như thế này, “nhà vàng” tranh thủ nới rộng khoảng cách giữa mua vào và bán ra để gia tăng lợi nhuận.
Thông thường, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của giá “phi SJC” chỉ khoảng 300.000 đồng/lượng. Nhưng trong ngày Vía Thần Tài năm nay, khoảng cách này thậm chí được giãn lên tới 2 triệu đồng/lượng. Đó là trường hợp của vàng SBJ.
Hiện tại, giá vàng SBJ đang giao dịch ở mức 34,50 triệu đồng/lượng – 36,50 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra lên tới 2 triệu đồng/lượng. Nếu bán ra ngay sau khi mua vào, khách hàng đã thua lỗ tới 2 triệu đồng/lượng. Và để khách hàng hòa vốn, giá vàng SBJ phải tăng tới 2 triệu đồng/lượng. Đây là điều không thể trong bối cảnh giá vàng thế giới thiếu trợ lực như hiện nay.
Còn tại các công ty khác, mức chênh lệch không tới 2 triệu đồng/lượng nhưng vẫn là con số rất cao. Cụ thể, khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra “vàng phi SJC” tại Bảo Tín Minh Châu là 700.000 đồng/lượng tại Doji là 800.000 đồng/lượng, tại Phú Quý là 400.000 đồng/lượng.
Tuần tới, khả năng khách hàng mua vàng ngày Vía Thần Tài tiếp tục thua lỗ là rất cao bởi nhà đầu tư khá dè dặt khi dự báo về đà tăng của giá vàng thế giới. Trong các cuộc khảo sát do Kitco thực hiện, tỷ lệ người có quan điểm tích cực với giá vàng khá thấp.
Trong cuộc khảo sát Wall Street, chỉ có 37% người tham gia khảo sát đặt niềm tin vào đà tăng của giá vàng, 26% tin rằng giá vàng sẽ đi ngang và 37% lo ngại giá vàng sẽ giảm. Trong cuộc khảo sát Mai Street, những tỷ lệ này lần lượt là 47%, 41% và 12%.
Ralph Preston, Giám đốc Heritage West Financial nhìn thấy xu hướng thấp hơn của giá vàng trong tương lai gần. Charlie Nedoss, chiến lược gia thị trường cấp cao tại LaSalle Futures Group nhận xét ông nhìn thấy xu hướng tăng của USD, từ đó gây áp lực lên thị trường vàng.
Vy Vy