Sáng nay (5/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020.
Tại đây, báo cáo về tình hình nợ xấu tại hệ thống ngân hàng trước tác động của dịch Covid-19 được nêu cụ thể, cũng như thảo luận một số vấn đề tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.
Như Thống đốc Lê Minh Hưng đề cập tại hội nghị trực tuyến vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tình hình chung rằng: nếu không có dịch Covid-19 thì năm nay ngành ngân hàng sẽ thực hiện được mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3%, nhưng do dịch bệnh nên nợ xấu dự báo sẽ ở mức 3,67% vào cuối năm.
Đó cũng có thể chưa phải là mức độ cuối cùng, mà có thể còn tăng lên nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bởi hiện nay, theo bà Hồng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong khi các nước chưa kiểm soát được dịch, hoạt động giao thương cũng như các thị trường còn khó khăn, doanh nghiệp bị hạn chế khả năng trả nợ và nợ xấu tăng lên.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước bước đầu “khoanh vùng” có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tại hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Báo cáo của cơ quan này cũng nêu cụ thể các ngành hàng cùng mức độ dư nợ liên quan.
Lớn nhất là phần dư nợ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với khoảng 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vào khoảng 145.000 tỷ đồng, chiếm 1,75% tổng dư nợ.
Lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản bị ảnh hưởng khoảng 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng dư nợ.
Lĩnh vực khai khoáng có dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ.
Các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,35% dư nợ.
Lĩnh vực vận tải cũng có số dư nợ bị ảnh hưởng nhiều, với khoảng 139.000 tỷ đồng. Lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch khoảng 169.000 tỷ đồng. Đây cũng là hai nhóm ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi Covid-19.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang bám sát tình hình cụ thể từng lĩnh vực, để có giải pháp cùng các tổ chức tín dụng hỗ trợ, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để xử lý.
Ở nội dung khác, yêu cầu tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) được đề cập đến. Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay là hồ sơ và quy trình xử lý có kịp để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới hay không.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, phương án tăng vốn Agribank đã được trình lên Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra một số phương án. Tuy nhiên, như vấn đề đặt ra những năm qua là chưa mở cơ chế cho phép sử dụng ngân sách để tăng vốn. Do đó, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có nghị quyết cụ thể.
Trước đó, đầu năm nay, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng gợi mở hướng cơ chế cho Agribank được giữ lại lợi nhuận năm 2019 để tạo nguồn tăng vốn.