Bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro, đặc biệt sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm, giới doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018.
Bất động sản cũng tiếp tục đứng ở vị trí top về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt gần 600 triệu USD.
Một lý do khác mà ông Đính cho rằng, bất động sản giữ vững vị thế kênh đầu tư hấp dẫn là do cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày được hoàn thiện, nhất là tại các thành phố lớn kết nối các tỉnh, thành phố lân cận.
Báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn ghi nhận, trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, trường nhà đất, vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm ghi nhận nhiều diễn biến thăng trầm. Chỉ tính riêng trong hơn 2 năm, từ 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Dữ liệu này chỉ ra rằng, dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh biến động, bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn.
Giá bất động sản khó hạ
Dữ liệu Batdongsan.com.vn ghi nhận trong quý II/2022 cho thấy con số thống kê đáng chú ý. Cụ thể, mức độ quan tâm đất nền tại miền Bắc và miền Nam có giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Tại Hà Nội, nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
Còn ở TP. HCM, tình trạng diễn ra tương tự, khi mức độ quan tâm đất giảm 11% nhưng giá rao bán đất nền trong quý II/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Nhận định về diễn biến này trên thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhấn mạnh: mặc dù mức độ quan tâm đến BĐS có dấu hiệu "giảm nhiệt" tại nhiều tỉnh thành trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn giá bất động sản sẽ khó có khả năng giảm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ đối mặt với khó khăn khi phải đối mặt với kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn. Tương ứng là giá khu vực này sẽ tiếp tục tăng, tuy có thể không còn mạnh như giai đoạn trước.
Cùng với đó, giá căn hộ bình dân và có thể cả trung cấp sẽ tăng chậm hơn, để duy trì lượng hấp thụ. Bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản du lịch sẽ là điểm sáng hấp dẫn đầu tư của năm 2022, với vai trò tiên phong trong thúc đẩy đô thị hóa.
Lý giải điều này, theo ông Đính, nguồn cung hạn hep, các dự án gặp khó vì chính sách, cơ chế khiến lượng hàng đáp ứng được điều kiện pháp lý ra đời sẽ co hẹp. Dẫn tới, giá bất động sản vẫn sẽ tăng.
Còn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam thừa nhận, bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn. Trong năm qua, giá bất động sản tăng 30-40% ở hầu hết phân khúc.
Ông Khương nhận định, nhà đầu tư có xu hướng mở rộng tài sản đầu tư là quỹ đất ở các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Nha Trang.
Còn ông Quốc Anh chỉ ra lý do khiến giá đất khó giảm là bởi ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao.