Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành xu hướng chủ đạo và được công nhận rộng rãi là một phần thiết yếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Điều này phần lớn xuất phát từ nhu cầu tác động của người tiêu dùng, người lao động và các nhà đầu tư.
Báo cáo đầu tiên về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC cho thấy cách thức các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan đến ESG:
+ 80% doanh nghiệp đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới.
+ Thiếu kiến thức là rào cản chính đối với các công ty chưa đặt cam kết ESG.
+ Chỉ 29% người tham gia khảo sát tự tin về năng lực của Ban lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến ESG. Tuy nhiên 43% chưa cân nhắc việc thiết lập chương trình đào tạo về các vấn đề ESG.
Theo Báo cáo, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, đa phần (57%) các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG trong khi các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có lẽ đã áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi” khi hơn một nửa (58%) cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.
Điều thú vị là 40% doanh nghiệp tư nhân/gia đình được khảo sát cho biết họ đã đặt ra các cam kết ESG. Con số này cũng nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Thế hệ kế nghiệp Việt Nam và niềm tin của họ về việc các doanh nghiệp gia đình nên dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững.
Lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG là hình ảnh thương hiệu và danh tiếng (82% người tham gia khảo sát), tiếp theo sau là duy trì tính cạnh tranh (68%). Những yếu tố còn lại bao gồm giữ chân người lao động, thu hút nhân tài, và cuối cùng là áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.
Andrew Chan, Lãnh đạo Phát triển Bền vững & Biến đổi Khí hậu Đông Nam Á, Chiến lược Bền vững & Chuyển đổi, PwC Trung tâm Bền vững Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “ Hiểu rõ về ESG mà thiếu cam kết hoặc ngược lại thì đều là vô nghĩa. Để xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn và bền vững hơn, chúng ta cần sự cam kết tập thể và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý, chính phủ cũng như giới truyền thông. ”.
Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG. Mặc dù cam kết của ESG ở mức đáng khen ngợi, kết quả báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Các doanh nghiệp hiện đang đi đúng hướng và cho thấy sự tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện hơn nữa trong hành trình thực hành ESG.
Cụ thể, 66% doanh nghiệp cho biết đang triển khai chương trình ESG, 49% doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu quản trị các vấn đề ESG, 35% có sự tham gia tích cực của Hội đồng quản trị về các vấn đề ESG. Tuy nhiên, chỉ 28% có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai, 71% chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.
Báo cáo cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ lãnh đạo cấp cao trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết ESG. Vai trò quan trọng của Hội đồng quản trị (HĐQT) trong việc đảm bảo ưu tiên thực hành ESG đó là định hướng quản lý phân bổ nguồn lực và tập trung vào những vấn đề phù hợp.
“ Hội đồng quản trị nắm vai trò giám sát các vấn đề ESG. Họ là người đứng ở trung tâm trong việc xem xét và tích hợp các rủi ro cũng như cơ hội từ ESG trong hoạt động của tổ chức. Không có phương pháp tiếp cận nào “phù hợp cho tất cả” để phân công trách nhiệm giám sát ESG giữa hội đồng quản trị và các ban trong hội đồng, việc giao trách nhiệm có thể thay đổi theo thời gian ”, Tiến sỹ Đinh Toàn Trung, Giám đốc chiến lược, Ban Cố vấn Chuyên môn Viện Thành viên HĐQT Vietnam (VIOD) cho biết.