Báo cáo tài chính quý 3/2021 của CTCP VNG cho thấy việc CTCP Zion, đơn vị chủ quản của ví điện tử ZaloPay lỗ khoảng 840 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Số lỗ này thậm chí vượt cả năm 2020, lỗ khoảng 667 tỷ đồng.
Bản thân số lỗ của Zion tăng lên bằng lần trong những năm gần đây, thể hiện mức độ chịu chi của ZaloPay trong cuộc đua ví điện tử. Thậm chí, số lỗ của Zion trong 9 tháng đầu năm nay xấp xỉ số lỗ của MoMo trong cả năm 2020. MoMo đang có vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực ví điện tử tại Việt Nam với hơn 25 triệu người dùng.
Nhưng thế mạnh của ZaloPay là được tích hợp trên Zalo, một trong những nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Statista, có khoảng 62 triệu người dùng Zalo hàng tháng trong năm 2020, tăng lên từ mức hơn 52 triệu người của năm 2019. Số này tương đương hơn 60% dân số và khoảng 75% số người dùng internet của Việt Nam.
Báo cáo của VNG cho biết, Zalo đạt 14 triệu phút gọi mỗi ngày, đạt kỷ lục 1,5 tỷ tin nhắn/ngày, trở thành phương tiện dịch vụ công của 55/63 tỉnh thành. Ứng dụng Zalo phổ biến đến nỗi nó trở thành phương tiện được Chính phủ sử dụng để thông tin liên lạc, tuyên truyền đến người dân trong thời gian dịch bệnh và thiên tai.
Hưởng lợi từ Zalo, ví điện tử ZaloPay chứng kiến số người dùng hàng tháng tăng gấp 4 lần trong năm 2020. Số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng tăng 10 lần trong 6 tháng cuối năm…
Mô hình của Zalo và ZaloPay có nét tương đồng với mô hình của Wechat và WechatPay tại Trung Quốc.
Zalo giống như Wechat có được độ phủ rất lớn với người dùng, công việc tiếp theo cần làm là thêm vào nhiều tiện ích tích hợp trên đó để trở thành một "Siêu ứng dụng" có thể làm nhiều việc từ nhắn tin, thanh toán, mạng xã hội… Hiện tại, Wechat Pay là một trong hai ứng dụng thanh toán phổ biến nhất Trung Quốc, bên cạnh AliPay (đi theo mô hình khác).
Cuộc đua Siêu ứng dụng tại Việt Nam đang xuất hiện nhiều cái tên, ngoài Zalo còn có Grab, MoMo, Go-Jek, VinID, Shopee, Lazada… và thanh toán là tiện ích không thể thiếu.
Bản thân mô hình kinh doanh của VNG cũng khá giống với Tencent, công ty mẹ của Wechat. Tencent cũng đang là một trong những cổ đông lớn tại VNG và là nhà cung cấp bản quyền các sản phẩm về game cho công ty Việt Nam.