Thời gian gần đây, những câu chuyện liên quan đến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 liên tục xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông. Như việc những con tàu chở hàng khổng lồ mắc cạn ở kênh đào Suez, các cảng biển đóng cửa ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam "đau đầu" vì cước phí vận tải biển tăng cao.
Chưa kể, theo Bloomberg, các chuyên gia logistics dự đoán rằng sự tắc nghẽn và gián đoạn tại các cảng biển sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Chính điều này đã buộc các công ty phải chú ý nhiều hơn đến các chuyên gia về chuỗi cung ứng của mình.
Bên cạnh đó, điều này cũng thúc đẩy các trường kinh doanh làm mới chương trình giảng dạy chuỗi cung ứng để đảm bảo thế hệ quản lý logistics tiếp theo được chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Skrikant Datar, hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Harvard, cho biết: "Trong nhiều năm, chúng tôi đã xem nhẹ ngành logistics. Đại dịch khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại về nó."
"Thế kỷ 20 là thế kỷ của tài chính. Còn thế kỷ 21 này có lẽ dành cho chuỗi cung ứng", chuyên gia Jarrod Goentzel của MIT (Mỹ) chia sẻ với Bloomberg.
Quản lý chuỗi cung ứng đảm bảo cho sự vận hành thông suốt của doanh nghiệp từ bước chuẩn bị, lập kế hoạch, tìm nguồn cung ứng, sản xuất, tiêu thụ. Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng tốt giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và biên lợi nhuận. Nhân sự am hiểu về chuỗi cung ứng ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty, tập đoàn. Logistics có thể là một công đoạn nằm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp hoặc là dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp Logistics.
Mức lương quản lý logistics ở Việt Nam hiện tại đang là bao nhiêu?
Ở Việt Nam, những năm gần đây, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam tăng trưởng khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, trong số hơn 4.000 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam, có tới 95% là doanh nghiệp trong nước, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Vì vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho dịch vụ logistics tại Việt Nam đang trở nên ngày càng “khan hiếm”. Theo dự báo của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động mới và các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cũng cần trên cả triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
Theo dữ liệu của salaryexplorer, một nhân viên quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam thường kiếm được trung bình khoảng 30.000.000 đồng/tháng/người. Trong đó, mức lương thấp nhất là 14.700.000 VND và cao nhất là 46.800.000 VND.
Mức lương trung bình của người làm quản lý chuỗi cung ứng theo năm kinh nghiệm. Nguồn: Salaryexplorer
Bên cạnh đó, mức độ kinh nghiệm là yếu tố quan trọng nhất để xác định mức lương. Đương nhiên, càng nhiều năm kinh nghiệm thì mức lương càng cao. Cụ thể, Một quản lý chuỗi cung ứng có dưới 2 năm kinh nghiệm kiếm được khoảng 17.400.000 VND/tháng.
Trong khi đó, người có kinh nghiệm từ 2-5 năm sẽ kiếm được 22.400.000 VND/tháng, cao hơn 29% so với người có kinh nghiệm dưới 2 năm. Trong tương lai, người có kinh nghiệm từ 5-10 năm sẽ có mức lương là 30.900.000 VND/tháng, cao hơn 38% so với người có kinh nghiệm từ 2-5 năm.
Ngoài ra, những người có kinh nghiệm chuyên môn từ 10-15 năm sẽ nhận được mức lương tương đương 38.300.000 đồng/tháng, cao hơn 24% so với người có kinh nghiệm từ 5-10 năm. Nếu mức kinh nghiệm từ 15 - 20 năm thì mức lương dự kiến là 41.000.000 đồng/tháng, cao hơn 7% so với người có kinh nghiệm từ 10-15 năm.
Cuối cùng, những nhân viên có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề được nhận mức lương là 43.700.000 VND/tháng, cao hơn 7% so với những người có từ 15 đến 20 năm kinh nghiệm.