Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 ngày 29/8/2024 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10 năm 2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Từ ngày 1/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022 .
Đây là lần thứ 4 Chính phủ thực hiện chính sách giảm này. Lần đầu tiên được bắt đầu từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 30/12/2020. Lần thứ hai bắt đầu từ ngày 1/12/2021 và kết thúc khi hết ngày 31/5/2022. Lần thứ ba bắt đầu từ ngày 28/6/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo quy định tại Nghị định 109 năm 2024, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô là 2%. Trường hợp ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ có mức thu lần đầu là 10%. Ngoài ra, địa phương có thể áp dụng mức thu cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế nhưng không được vượt quá 50% mức thu quy định tại Nghị định này.
Đối với ô tô pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 950 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 950 kg có mức thu lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống.
Đối với ô tô chạy bằng pin, mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 0% trong vòng 3 năm kể từ khi Nghị định 10/2022 có hiệu lực. Hai năm tiếp sau, mức lệ phí trước bạ với loại xe này bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy bằng xăng, dầu có cùng chỗ ngồi.
Mức thu lệ phí trước bạ từ lần thứ hai trở đi đối với các loại phương tiện trên là 2% và áp dụng trên toàn quốc.
Việc giảm lệ phí trước bạ là một trong những chính sách của Chính phủ để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ một phần tài chính cho người dân để tạo động lực tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng. Mặc khác việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ lệ phí trước bạ , thuế tiêu thụ đặc biệt , thuế GTGT có thể tăng.
Tuy nhiên, mặt trái của lợi ích kích cầu doanh số đối với thị trường xe ô tô trong nước, việc giảm lệ phí trước bạ cũng có thể gây ra sự phân biệt đối với xe ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu. Bên cạnh đó, nếu việc này kéo dài, các chuyên gia lo lắng rằng Việt Nam sẽ vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà Việt Nam đã tham gia và sẽ phản ứng.
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41 năm 2023). Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến việc cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương vì theo quy định của Luật ngân sách nhà nước , khoản thu này thuộc ngân sách địa phương.
Thực tế số thu từ thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng, chỉ tập trung ở 8 địa phương nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này. Các địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, vì vậy sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương.
Vì vậy, chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước được nhiều người đánh giá như con dao hai lưỡi, nếu khéo sử dụng thì có thể phát huy tối đa những ưu điểm và hiệu quả mà chính sách đem lại.