Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 715.000 doanh nghiệp (DN) và khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh. Để đạt được mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 , cả nước phải cần có thêm khoảng 300.000 DN thành lập mới. Đây là con số không nhỏ, nhưng nếu nhà quản lý tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN nâng sức cạnh tranh, có giải pháp đưa một phần hộ kinh doanh phát triển thành DN thì mục tiêu này sẽ là khả quan.
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ rất khó nếu những rào cản hiện nay không được tháo gỡ. Ngược lại, con số gần 300.000 DN thành lập mới sẽ khả thi nếu môi trường kinh doanh được tiếp tục cải thiện một cách thông thoáng hơn. Đặc biệt, khi những rào cản về thủ tục pháp lý, những nỗi lo của DN về những chi phí không chính thức được giải tỏa, chắc chắn số doanh nhân muốn tham gia vào thương trường sẽ gia tăng nhanh chóng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) cho rằng, để hỗ trợ thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển, việc cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh. Cần phải loại khỏi DN suy nghĩ “các thủ tục không “chạy” không được”.
Mục tiêu có 1 triệu DN năm 2020 hoàn toàn khả thi nếu môi trường kinh doanh được cải thiện.
Theo ông Quân, việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực từ đăng ký kinh doanh, đăng ký ngành nghề phát triển chính là đòn bẩy để các DN yên tâm khởi nghiệp cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều DN vẫn kêu gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay tại các ngân hàng, bởi vậy, nhà quản lý cần xây dựng các gói tín dụng phù hợp với lãi suất hợp lý, và điều quan trọng là cải cách thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận dễ dàng các gói tín dụng.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các ngân hàng thương mại sẽ không ngại cho vay nếu DN chứng minh được phương án kinh doanh thật sự khả thi. Bởi vậy, bản thân mỗi DN cần phải có chứng minh thực lực về khả năng hoạt động của mình, phương án kinh doanh cũng như khả năng quản trị… để tạo niềm tin cho hệ thống các ngân hàng thương mại.
Tiềm năng từ các hộ kinh doanh
Hiện nay, hộ kinh doanh cá thể được đánh giá rất tiềm năng có thể bổ sung vào khối DN, góp phần tăng thêm nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi thành DN với lo ngại sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và chịu sự quản lý thuế khắt khe hơn.
Đặc biệt, hiện nay mức thuế đối với DN và thuế với hộ kinh doanh có sự khác nhau rất lớn. Kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể sẽ chỉ phải đóng thuế khoán nên số thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Có những hộ kinh doanh thu nhập hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng nhưng mức thuế phải nộp chỉ vài triệu đồng/năm là quá ít so với thu nhập.
Trong khi đó, nếu là DN việc tính thuế phải căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và nhiều thủ tục khác. Và nếu DN trốn thuế khi cơ quan thuế thanh kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ bị xử phạt nặng.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN. Song đến nay, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang thành lập DN không đáng kể, vẫn còn tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển thành DN vì muốn “né” nhiều chi phí phát sinh, nhất là thuế.
Nhấn mạnh, số hộ kinh doanh tiềm năng có thể trở thành DN là rất lớn, tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, vướng mắc của việc chuyển đổi này là do chưa có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc quản lý hộ kinh doanh theo hình thức thuế khoán hiện nay nảy sinh ra nhiều bất cập, gây ra tình trạng thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt là không tạo ra sự công bằng trong môi trường kinh doanh.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện như đã đề ra tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bao gồm hỗ trợ về vốn, công nghệ, đào tạo, giảm chi phí thành lập DN, đơn giản hóa thủ tục kế toán thì đã đến lúc cần có các quy định, chế tài đẩy mạnh việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Cần áp dụng chế tài đối với hộ kinh doanh đủ điều kiện, nhưng không đăng ký thành lập DN; hay cơ quan thuế cần phân loại quy mô kinh doanh của các hộ kinh doanh để có thể quản lý như với mô hình doanh nghiệp.
Theo ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để người kinh doanh lựa chọn thì câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành DN đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng thật sự chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Do đó, Bộ KH&ĐT đang tập trung xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám và ban hành theo thẩm quyền. Đây là hai luật quan trọng liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, mục tiêu cao nhất là giúp DN đã gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài.
Luật lần này sẽ triệt để bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa nhất có thể để DN có thể thuận lợi hoạt động, phát triển./.