Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam Quý 4/2018 tăng trưởng ở mức 7,31%. Tính chung cả năm 2018, GDP ước tăng 7,08%, mức tăng cao nhất sau khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,03% trong năm 2018, mức tăng tương đối tích cực tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2017 (7,44%). Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ tiếp tục là ngành tăng trưởng nhanh nhất khu vực (8,51%) và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (0,92 điểm phần trăm).
Các ngành khác như hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đóng góp đáng kể. Đáng chú ý, du lịch tiếp tục là điểm sáng với lượng khách quốc tế tới Việt Nam năm 2018 đã vượt qua con số 15 triệu, tăng gần 20% so với năm 2017, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch.
Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chứng kiến sự phục hồi vững chắc với những yếu tố thuận lợi từ thời tiết và thị trường thế giới. Mức tăng trưởng 3,76% cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.
Tuy nhiên, trong quý IV vừa qua, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều "mảng xám" như: Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh, số việc làm tạo mới giảm nhẹ, lạm phát tổng thể giảm trong quý IV, nhưng lạm phát lõi tiếp tục tăng,...
Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý IV/2018. Trái với những nhận định trước đây về rủi ro lạm phát tăng cao trong quý cuối năm, việc giá năng lượng bất ngờ đảo chiều từ tháng Mười đã góp phần không nhỏ kìm hãm lạm phát. Lạm phát được duy trì dưới 4%, thậm chí là dưới 3% vào tháng 12. Tính chung cả năm, lạm phát bình quân đạt 3,54%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.
Lượng doanh nghiệp giải thể tăng đột biến
Về tình hình hoạt động, số doanh nghiệp thành lập mới trong Quý 4 đã hồi phục trở lại so với tháng 9, đạt trung bình 11.555 doanh nghiệp thành lập mới mỗi tháng.
Tính chung cả năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới, chỉ tăng nhẹ 3,5% so với năm 2017. Tổng số vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý 4 tiếp tục nhiều bất thường so với cùng kỳ năm 2017, dù ít hơn quý III/2018. Báo cáo cho hay, có tổng số 22.581 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong quý 4, tăng tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung năm 2018, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 99.885 doanh nghiệp, tăng tới 51% so với cả năm 2017.
Khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
Nhận định về xu hướng này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, lượng thành lập doanh nghiệp mới trong năm 2018 không tăng đột biến nhưng lượng đóng cửa lại tăng gấp rưỡi năm 2017. Điều này cho thấy thị trường đang có vấn đề về cách thức hoặc là cấu trúc của nền kinh tế.
Ngoài ra, quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng không tăng lên trong nhiều năm, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống. Có hai giả thuyết cho vấn đề này, một là do người kinh doanh không chịu tham gia vào khu vực kinh doanh chính thức và hai là do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
"Với số lượng doanh nghiệp hiện nay chỉ khoảng 600.000 doanh nghiệp và chỉ còn 2 năm để thực hiện, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020 có thể không đạt được", ông Thành nhận định.
"Không phải là người Việt Nam không làm kinh doanh mà họ không đăng ký chính thức. Xu hướng này là do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, thủ tục rườm rà, nhũng nhiễu,...", ông Thành cho biết thêm.