Đơn hàng giảm, nguyên phụ liệu thiếu và tăng giá, cước vận tải cao, thiếu lao động, những điều chỉnh chính sách của các nước… là loạt khó khăn dồn lên mục tiêu 43,5 tỷ USD xuất khẩu dệt may năm nay.
Năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 30,1 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 17,5 tỷ USD tăng 7,9%% so với cùng kỳ 2021.
“Đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định sau khi Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với COVID-19. Theo đó, ngành dệt may xuất siêu đạt 12,6 tỷ USD. Đây là nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin.
Dồn dập những khó khăn
Dù rất thuận lợi trong nửa đầu năm song dự báo ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
Là một trong những doanh nghiệp có đơn đặt hàng tốt trong ngành, tuy vậy, theo ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, nỗi lo lớn nhất là nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu cho sản xuất do Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero COVID-19.
“Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dùng các biện pháp chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ kiện. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 52% nguyên phụ liệu”, ông Việt cho hay.
Còn theo ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm, tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 3 và 4.
“Lạm phát đang gia tăng tại nhiều quốc gia khiến người dân thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho tăng. Là mặt hàng không thiết yếu, nhu cầu với thời trang vì thế giảm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng” ông Trịnh chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngoài những khó khăn về áp lực lạm phát, ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 vẫn hiện hữu thì yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
“Từ ngày 21/6/2021, Đạo luật phòng chống lao động, cưỡng bức có hiệu lực, là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi phải đổi mặt với vấn đề truy soát nguồn gốc bông và sản phẩm làm từ bông Tân Cương. Hay EU và khả năng các thị trường lớn khác dự định sẽ thu phí Cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế, sử dụng đối với hàng nhập khẩu sẽ đặt ra vấn đề rất lớn buộc doanh nghiệp dệt may phải thay đổi trong thời gian tới”, ông Giang quan ngại.
Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may trong nước cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; và thiếu lao động trầm trọng.
“Doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành”, ông Giang cho biết thêm.
Kiên định mục tiêu 43,5 tỷ USD
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song toàn ngành dệt may vẫn giữ mục tiêu phấn đấu đạt 43,5 tỷ USD cho cả năm 2022.
Tổng giám đốc May 10 cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chú trọng quản trị hàng tồn kho và quản trị tốt rủi ro. Doanh nghiệp đang hoàn thiện dự án mở rộng xí nghiệp theo tiêu chuẩn nhà máy xanh, nâng cao công tác quản trị, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số cũng như bám sát diễn biến thị trường để có những giải pháp kịp thời nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Còn tại Tập đoàn May Hồ Gươm, ông Phí Ngọc Trịnh cho biết, để tìm kiếm đơn hàng thì bên cạnh việc chú trọng khai thác thị trường nội địa, thì tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu là giải pháp được doanh nghiệp triển khai.
“Để bù đắp đơn hàng đang thiếu hút, doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm thị trường ngách mà mình có lợi thế như với thị trường Nhật Bản để khai thác tốt Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời khai thác thị trường mới đầy tiềm năng tại Trung Ðông, Nam Phi, Nga”, ông Trịnh cho biết.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã và đang kết nối các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế thị trường, tiếp tục đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được với yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về sản phẩm may mặc tái chế vào thị trường EU hiện nay.
“Doanh nghiệp cần tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, nhất là chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang. Doanh nghiệp cũng cần mở rộng thêm thị trường để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu, dễ bị rủi ro, đứt gãy khi tình hình thế giới đang nhiều biến động và dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Giang khuyến nghị.