Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa vững chắc, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi trong những tháng đầu năm, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Một số kết quả tích cực đạt được, như kiện toàn tổ chức, bộ máy Chính phủ với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiệm vụ mục tiêu kép được chỉ đạo sát sao với nhiều giải pháp để chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, cố gắng cao nhất bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%.
Ảnh: VGP
Song, báo cáo cũng chỉ ra GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt được mục tiêu đề ra, xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,1%); cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu.
Báo cáo nhấn mạnh, chiến lược vaccine của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp; nguy cơ có thể lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thu hút FDI giảm, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 24,9%, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi gia tăng, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.
Mặc dù đánh giá kết quả đạt được là nhờ sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp các cơ quan, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân, song Chính phủ chỉ ra tác động của dịch Covid-19, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng, dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm kỷ lục làm ảnh hưởng mục tiêu kinh tế.
Trong khi đó, tình trạng lơ là chủ quan mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch, chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn chậm, chưa quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình, việc phối hợp chưa hiệu quả, cùng những vướng mắc thể chế chưa được tháo gỡ kịp thời…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thảo luận và xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hai kịch bản: để tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,0% thì quý III phải phấn đấu tăng 6,2% và quý IV là 6,5%; với mục tiêu cao hơn là 6,5%, các quý còn lại của năm có mức tăng trưởng tương ứng phải là 7% và 7,5%.
Mục tiêu tăng trưởng trên theo Chính phủ, phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, trong đó đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế.
Vì vậy, các giải pháp trọng tâm là chỉ đạo điều hành bám sát thực tiễn, có quyết sách kịp thời, kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép". Kiên trì kiềm chế đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
Đặc biệt là việc quyết liệt, đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine ngừa Covid-19. Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% trong thời gian sớm nhất, tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định và cần duy trì hằng năm để thoát khỏi đại dịch.
Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng; phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ.