Khi Bitcoin liên tục đu đỉnh trong thời gian gần đây, dư luận cũng dành sự quan tâm về mức tiêu thụ năng lượng của các hoạt động khai thác. Đây không chỉ là mối quan ngại của công chúng mà ngay chính các nhà đầu tư Bitcoin cũng đang đau đầu về vấn đề này. Đó cũng là nội dung được nhiều nhà khai thác tiền mã hóa tại Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt.
Theo báo cáo của Citigroup, mức tiêu thụ điện năng của Bitcoin hiện đã cao gấp 66 lần so với thời điểm năm 2015. Đồng thời Citigroup cũng nhận định thêm rằng, lượng khí tải carbon liên quan đến hoạt động khai thác tiền ảo có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều.
Báo cáo trích dẫn dữ liệu từ Trung tâm Tài chính Thay thế của Đại học Cambridge. Tính đến giữa tháng 4/2021, nhu cầu điện toàn cầu do Bitcoin tạo ra có thể đạt 143 MWh mỗi năm, cao hơn khoảng 4% so với mức phát điện cả năm của Argentina vào năm 2019. Chi phí điện năng cho đào coin cũng đã tăng khoảng 145 lần so với mức 440 USD vào cuối năm 2015. “Mức tiêu thụ năng lượng của Bitcoin tỷ lệ thuận với biến động giá của đồng tiền mã hóa này”, Citigroup nhận định.
Chỉ số tiêu thụ điện năng của Đại học Cambridge đưa ra cho thấy, mức tiêu thụ điện hàng năm do các hoạt động khai thác Bitcoin ở vào khoảng 141,6TWh, bằng mức tiêu thụ điện năng trung bình của Thụy Điển và Malaysia cộng lại. Đối số này cũng được xác nhận bởi nghiên cứu mới nhất từ MasterCard, công ty vừa cho ra mắt mẫu máy tính carbon, cho thấy 54% người được khảo sát cho rằng việc bảo vệ môi trường hiện nay đã trở nên cấp thiết hơn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trước đó, do cân nhắc về yếu tố môi trường, chính phủ Trung Quốc cũng đã có những động thái đầu tiên để kiểm soát ngành khai thác tiền ảo. Cụ thể, các khu vực như Nội Mông, Tứ Xuyên, Tân Cương tại quốc gia này đã thu hút lượng lớn các nhà khai thác đổ về xây dựng xưởng đào coin do giá điện thấp. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ “vỡ kế hoạch” tiết kiệm năng lượng theo cam kết dừng tăng khí thải carbon trước năm 2030 và đạt carbon trung tính vào năm 2060 của Trung Quốc.
Trước đó, hầu hết lượng điện được sử dụng trong khai thác Bitcoin đến từ những nguồn ô nhiễm. Nhóm CCAF đã điều tra việc sử dụng năng lượng của các “mỏ” Bitcoin trên khắp thế giới và phát hiện ra rằng khoảng 2/3 trong số đó đến từ nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ blockchain hỗ trợ tiền điện tử đòi hỏi khả năng tính toán mạnh mẽ trong thiết kế, đồng nghĩa với việc tiêu thụ năng lượng rất lớn.
Chính vì vậy, để duy trì lợi nhuận cũng như né sự kiểm soát từ cơ quan quản lý, nhiều xưởng đào coin tại đây đã tìm cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện để lấp chỗ trống. Nghiên cứu mới nhất vừa được công bố của người đồng sáng lập Coin Metrics, Nic Carter, cho thấy 39% đến 76% nhà khai thác Bitcoin đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Trào lưu chuyển hướng vận hành các trang trại đào Bitcoin bằng năng lượng mặt trời cũng bắt đầu nở rộ tại Việt Nam từ đầu tháng 3 năm nay, khi cơn sốt tiền ảo lên giá. Theo tiết lộ của anh P.H (Đà Nẵng), sau khi chuyển hệ thống “trâu cày” qua một trang trại điện mặt trời, chi phí cho hệ thống khai thác Bitcoin hàng tháng của anh đã giảm khoảng 30%.
Ngược lại, vốn là chủ đầu tư của hệ thống trang trại điện mặt trời lớn tại Kiên Giang, anh K cũng đã đầu tư mới hệ thống khai thác Bitcoin nhằm tận dụng nguồn năng lượng dư thừa, nhất là khi giá FIT hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, việc phụ thuộc quá nhiều vào đại lý thu mua khiến anh K và các chủ trang trại phải tự tìm đầu ra để tránh thua lỗ.
Giải pháp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để khai thác Bitcoin và một số loại tiền ảo khác cũng được nhiều chủ quán internet áp dụng, nhằm giải quyết tình trạng khó khăn do kinh doanh ế ẩm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên sau một thời gian thử nghiệm, hiệu quả mang lại dù không thực sự đáng kể “nhưng không còn lựa chọn nào khác nên đành quăng cần câu cơm qua ngày” theo chia sẻ của anh Tuấn, một chủ quán internet tại Quảng Ninh.
Thực tế, nguồn điện năng tiêu hao và khí thải carbon phát sinh trong quá trình khai thác Bitcoin là vấn đề cấp thiết cần có phương án phù hợp để xử lý hiệu quả. Trong khi đó, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo để thay thể có thể là một lựa chọn đúng đắn. Dù vậy, vẫn còn những chướng ngại về mặt pháp lý, cũng như bài toán về việc cân đối các nguồn lực này để duy trì khả năng sinh lời trong điều kiện đảm bảo môi trường, tránh biến đổi khí hậu là điều mà các nhà khai thác cần phải tính đến trong thời gian tới.