Tiền lương khi nghỉ hưu luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động, đặc biệt là những lao động có ý định nghỉ hưu trước tuổi.
Năm 2020, cách tính mức và hồ sơ hưởng lương hưu trước tuổi như thế nào?
Mức lương hưu trước tuổi
Khoản 2, điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định: Với người lao động nghỉ hưu khi đủ tuổi vào năm 2020 thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 18 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ.
Với người lao động nghỉ hưu khi đủ tuổi vào năm 2020 thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
Sau đó cứ mỗi năm đóng thêm được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2%. Nếu tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Ví dụ, bà A bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 1-2020 khi đủ 50 tuổi 2 tháng và có 28 năm đóng BHXH.
Tỉ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau: 15 năm đầu được tính bằng 45%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%. Tổng tỉ lệ trên là: 45% + 26% = 71%. Bà A nghỉ hưu khi 50 tuổi 2 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm 10 tháng) nên tỉ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là: 4 x 2% + 1% = 9%.
Như vậy, tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của bà A sẽ là 71% - 9% = 62%. Do đó, lương hưu hàng tháng của bà A khi nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2020 sẽ bằng 62% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Hồ sơ hưởng lương hưu trước tuổi
Theo điểm 1.2, khoản 1, điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH, hồ sơ hưởng lương hưu của người nghỉ hưu trước tuổi bao gồm:
Đối với người đang tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị: Sổ BHXH; Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí (mẫu số 12-HSB) hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Trong 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Ảnh: Hoàng Triều |
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện: Sổ BHXH; Đơn đề nghị (mẫu số 14-HSB); Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa trong trường hợp thanh toán phí giám định.
Sau khi có đủ giấy tờ nêu trên, trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động (đối với trường hợp người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc), người lao động (đối với trường hợp người lao động tham gia BHXH tự nguyện) nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
Trong 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
(Theo NLĐ)