Theo đó, Khu du lịch quốc gia Mũi né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha.
Được biết, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận luôn xác định du lịch là một trong những lợi thế và là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước đưa Bình Thuận thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt có mục tiêu chung là: Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 đón khoảng 9,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,5 triệu lượt; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 14,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2025 đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Phát triển buồn lưu trú đến năm 2025 trên 21.000 buồng và năm 2030 trên 41.000 buồng. Tạo việc làm cho khoảng 24.000 lao động trực tiếp vào năm 2025 và trên 45.000 người vào năm 2030.
Theo đó, các sản phẩm quan trọng gồm: các sản phẩm du lịch khai thác đặc trưng văn hóa địa phương (tham quan các di tích lịch sử văn hoá, trải nghiệm, nghiên cứu văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Chăm);các sản du lịch gắn với cộng đồng (du lịch nghỉ dưỡng tại nhà dân, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch làng chài); các sản phẩm du lịch gắn với đô thị (các lễ hội, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch, các hoạt động nghệ thuật đường phố)….
Về tổ chức không gian phát triển du lịch, quy hoạch nêu rõ sẽ hình thành các phân khu du lịch chính của Khu du lịch quốc gia Mũi Né, gồm: Phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình (diện tích khoảng 500 ha); phân khu du lịch biển Mũi Né (khoảng 340 ha) và phân khu du lịch chuyên đề - Du lịch cát (diện tích khoảng 100 ha). Bên cạnh đó, sẽ phát triển 04 Trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Thuận, có chức năng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần cho Khu du lịch quốc gia Mũi Né, gồm: Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến; Trung tâm dịch vụ du lịch Mũi Né; Trung tâm dịch vụ du lịch Hòa Thắng; Trung tâm dịch vụ du lịch Suối Nước.
Các điểm du lịch quan trọng của Khu du lịch quốc gia Mũi Né bao gồm: Danh thắng Bàu Trắng; Công viên Vui chơi giải trí Hòm Rơm. Các điểm du lịch vệ tinh, là: Đô thị du lịch Phan Thiết; các khu, điểm du lịch tại các khu vực lân cận thuộc các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thị xã La Gi.
Về các tuyến du lịch chính, sẽ tập trung phát triển vào các tuyến du lịch đường bộ, tuyến du lịch đường sắt, tuyến du lịch đường biển. Đặc biệt, là tuyến du lịch đường không sẽ kết nối Khu du lịch quốc gia Mũi Né với quốc tế qua sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.Hồ Chí Minh) và sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà); giai đoạn sau năm 2025, phát triển các tuyến du lịch đường không từ sân bay Phan Thiết đến các thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Tin tưởng rằng, sau khi được phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ giúp cho du lịch Bình Thuận nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển lên một tầm cao mới.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch trong những năm gần đây và các năm tiếp theo, khách du lịch sẽ đến vùng Đông Nam Á khá lớn, trong đó có Việt Nam; vì thế ngành du lịch nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng sẽ tiếp nhận một lượng khách đáng kể. Đây chính là điểm sáng, đầy hứa hẹn trong việc tận dụng thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Với chiều dài bờ biển hơn 192 km, Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng du lịch. Không chỉ có Mũi Né mà còn có các điểm đến tiềm năng khác như: Tiến Thành, La Gi, Mũi Kê Gà, Mũi Cà Ná…. Tuy nhiên, nói đến du lịch biển Bình Thuận thì Mũi Né vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất.