Nhiều DN tại “vùng xanh” thành phố Hà Nội sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điều lo nhất vẫn là bất ngờ ra quy định siết chặt khiến DN trở tay không kịp.
Sản xuất trong khó khăn
Ông Phạm Đức Ánh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Hồng Minh, có cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm đặt tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ông cho biết, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay, công ty đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn do hóa mỹ phẩm không được coi là hàng hóa thiết yếu.
Từ ngày 6/9, theo quy định, địa điểm đặt xưởng sản xuất của công ty thuộc vùng 3, là “vùng xanh”. Hiện nay, các rào chắn lối đi lại quanh xưởng đã được chính quyền dỡ bỏ và doanh nghiệp có thể sản xuất trở lại.
Theo ông Ánh, chính quyền đã yêu cầu doanh nghiệp phải lên phương án vừa sản xuất vừa phòng chống dịch để phê duyệt. Được sản xuất trở lại, ông Ánh thấy vui mừng song còn nhiều băn khoăn. Lo lắng nhất hiện nay là nhiều lao động của công ty sống ở quận Hà Đông, thuộc “vùng đỏ”, muốn di chuyển đến xưởng để làm việc hàng ngày sẽ xử lý thế nào?. Giấy đi đường có cho phép người từ vùng đỏ qua vùng xanh làm việc không?
Nếu phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, công ty dự kiến chỉ sản xuất với 30% công suất.
Nhiều DN tại “vùng xanh” cho biết sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Chưa kể, doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc hệ thống phân phối bị đứt gãy quá 50% do giãn cách, đến nay khó có thể khôi phục hoàn toàn. Cùng với đó, dòng tiền cũng đã cạn kiệt do không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả các khoản thuê mặt bằng, lương người lao động, chi phí chống dịch, lãi vay,...
Việc khôi phục lại hoạt động bình thường, ông Ánh dự tính sớm nhất cũng phải tới cuối năm nay, nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 9 này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại nội thất Tre Việt (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai), chuyên sản xuất hàng nội thất bằng tre xuất khẩu, để duy trì sản xuất, thời gian qua doanh nghiệp phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, phải cắt giảm lao động nên sản xuất giảm, trong khi chi phí phòng chống dịch tăng.
Theo quy định mới của TP, huyện Thanh Oai thuộc “vùng xanh” nên công ty đã lên phương án cụ thể; bố trí thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng số lao động làm việc nhằm tăng sản lượng. Điều doanh nghiệp này lo ngại là thời gian giao hàng. Vì sản xuất giảm, vận chuyển hàng hóa khó khăn, nếu không đảm bảo theo hợp đồng sẽ bị phạt và mất khách hàng.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH URC Hà Nội có nhà máy sản xuất thực phẩm và đồ uống tại khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai cho biết, DN đã thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” ngay từ cuối tháng 7.
Từ ngày 6/9, công ty vẫn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” theo yêu cầu của Ban quản lý khu công nghiệp và chính quyền địa phương. Số lao động tại nhà máy chủ yếu là người địa phương thuộc hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai nên không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí chống dịch tăng. Cùng với đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển cũng tăng.
Khó khăn nhất mà DN phải đối mặt hệ thống phân phối bị đứt gãy quá 50% |
“Vùng xanh doanh nghiệp”
Qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp tại các huyện thuộc “vùng xanh” cho biết sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, chính quyền các địa phương lại đưa ra quy định mới quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, điều DN lo nhất là các quyết định bất ngờ, chưa sát thực tế khiến DN trở tay không kịp.
Chẳng hạn, UBND huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ hoạt động tối đa 50% công suất, số lao động, thực hiện phân chia ca, kíp khoa học để đảm bảo giãn cách. Các DN phải xây dựng kế hoạch và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh xảy ra tại cơ sở.
Huyện Thạch Thất, từ ngày 6/9, cũng triển khai theo 3 vùng. Vùng nguy cơ cao là “cam”, vùng nguy cơ là “vàng” và vùng an toàn là “xanh”. Huyện tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại bao gồm nhà máy, cơ sở sản xuất, các công trình giao thông, xây dựng, các hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu; Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về (có vách ngăn giữa người bán và người mua; người bán phải đeo kính chắn giọt bắn); yêu cầu khai báo y tế và sử dụng mã QR-Code,...
UBND huyện Gia Lâm cũng chia địa bàn thành 3 phân khu, theo mức độ nguy cơ của dịch, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tư nhân được phép nhưng phải theo "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" và có phương án phòng, chống dịch được UBND xã, thị trấn phê duyệt. Đối với phân khu 3 (vùng xanh), cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) được mở cửa hoạt động nhưng chỉ được bán hàng mang về.
Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho hay, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng; hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút. Cao điểm nhất, TP. Hà Nội có trên 1.000 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn bị ảnh hưởng, gần 50.000 người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, nghỉ luân phiên.
Tuy nhiên, trong thời gian này, TP đã thiết lập được 615 điểm “vùng xanh doanh nghiệp”, được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động. Đến nay, trên địa bàn TP có 4.306 DN thành lập tổ an toàn Covid, với 50.480 người tham gia. Trong đó, các khu công nghiệp và chế xuất đã thành lập 2.116 tổ an toàn Covid tại 408 DN, với 8.705 người tham gia.
Nhìn chung, mô hình hoạt động của các tổ an toàn Covid trong doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Mô hình này sẽ được áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trở lại và “vùng xanh doanh nghiệp” sẽ tăng lên.
Trần Thủy