Startup tiếp theo xuất hiện trên tập 11 Shark Tank mùa 4 là Nguyễn Ngọc Lan Anh – Nhà sáng lập và điều hành công ty EIY (Earn it yourself).
Lan Anh tốt nghiệp đại học RMIT, trong thời gian làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, Lan Anh nhận thấy nhiều chuyên viên có nhiều ý tưởng tuyệt vời nhưng không biết cách truyền tải ý kiến một cách tự tin, thuyết phục và rõ ràng, dẫn đến mất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Do đó, vào năm 2016 chị đã thành lập công ty EIY với sứ mệnh xây dựng sự tự tin cho người Việt Nam thông qua môn học public speaking (diễn thuyết trước công chúng) bằng tiếng Anh. Để phát triển startup của mình, chị đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 3 tỷ cho 20% cổ phần.
Giới thiệu chi tiết hơn về doanh nghiệp của mình, Lan Anh cho biết EIY có 2 đối tượng khách hàng bao gồm: những người làm tại các tập đoàn đa quốc gia mà đa phần các bài thuyết trình của họ đều bằng tiếng Anh và những người mong đợi nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Trong 5 năm, từ 2016 – 2020, EIY có 4.000 học viên, 54 doanh nghiệp là các tập đoàn đa quốc gia, các trường học bao gồm trường quốc tế và trường tư thục. Hiện tại startup có 8 giáo viên, vừa là người Việt vừa là người nước ngoài.
Trả lời câu hỏi của Shark Phú về bức tranh tài chính, Lan Anh cho biết mục tiêu kinh doanh năm 2021 của EIY là 6 tỷ. Trong 4 tháng đầu năm 2021 EIY đạt được 900 triệu và có 2 tỷ đang sắp ký với 2 trường quốc tế. Với 3 tỷ còn lại, EIY chia tỷ trọng mục tiêu 1 tỷ cho doanh nghiệp, 1 tỷ cho các trường học và 1 tỷ còn lại cho khách hàng cá nhân. Dự kiến lợi nhuận của năm là 2,2 tỷ.
"Nếu các Shark đầu tư 3 tỷ cho 20% cổ phần thì em cam kết chưa đầy 3 năm, năm 2024 các Shark sẽ lấy lại được vốn", Lan Anh tự tin khẳng định.
Shark Bình nhận xét: "Business (doanh nghiệp) của bạn có rất nhiều đơn vị tương tự ở trên thị trường, cũng sống được nhưng khả năng tăng trưởng đột biến hơi khó. Business của bạn về cơ bản không chuyển đổi số được. Khẩu vị đầu tư của tôi là thích đầu tư vào cái gì có tiềm năng thật to. Rủi ro cũng được nhưng phải siêu to khổng lồ". Chính vì vậy Shark Bình quyết định không đầu tư.
Đồng quan điểm với Shark Bình và cho rằng mô hình của startup có thể sống tốt Shark Phú cũng từ chối đầu tư. Shark Phú giải thích: "Em có thể tìm bạn bè hoặc nhà đầu tư cá nhân sẽ hợp lý hơn. Còn bọn anh là đại diện cho quỹ đầu tư của công ty, cần tìm mô hình tăng trưởng nhanh".
Shark Liên cũng từ chối đầu tư nhưng hứa hẹn sẽ có thể giúp EIY kết nối với khách hàng startup đang cần.
Để tìm hiểu kỹ hơn về doanh nghiệp, Shark Hưng đặt ra câu hỏi về số tiền Lan Anh đã đầu tư cho EIY, mục tiêu doanh thu trong 3 năm tiếp theo...
Lan Anh cho biết năm 2016, vốn chủ sở hữu của chị là 30 triệu, đến năm 2020, vốn sở hữu tăng lên 500 triệu. Mục tiêu doanh thu năm 2022 của EIY là 10 tỷ, năm 2023 là 12 tỷ, năm 2024 là 15 tỷ và tới năm 2025 đạt 18 tỷ.
Trả lời câu hỏi của Shark Linh về kế hoạch sử dụng 3 tỷ nếu gọi đầu tư thành công, Lan Anh cho biết chị sẽ sử dụng vốn cho việc publish (xuất bản) cuốn sách và mong muốn đưa vào trường học. 500 triệu được sử dụng để train (đào tạo) cho giáo viên vì đây là core (yếu tố cốt lõi) của doanh nghiệp. 800 triệu đầu tư cho branding (thương hiệu) vì EIY có kế hoạch phát triển thêm mảng Online Kids Public Speaking (thuyết trình online cho trẻ em).
Shark Linh nhận xét: "Mô hình này thú vị. Chị biết là nó không phải là mô hình có thể tăng trưởng nhanh, tăng trưởng quy mô trong 1, 2 năm. Nhưng chị rất đam mê ngành này nên chị nghĩ chị có khả năng giúp rất nhiều người. Con số em đặt ra phát triển trong 5 năm tới khá chậm nên chị nghĩ chị có thể giúp". Do đó, Shark Linh đề nghị đầu tư 3 tỷ cho 40% cổ phần bao gồm mọi hỗ trợ về branding, chương trình đào tạo, mentor (cố vấn).
Shark Hưng đánh giá: "Tôi thấy cái này tiềm năng. Chỉ có điều quy mô của bạn hơi khiêm tốn quá. Nhưng tôi có thói quen nếu chúng ta đi vào thị trường ngách chúng ta làm tốt thì khỏi lo lắng chuyện cạnh tranh".
Chính vì vậy, Shark Hưng ngỏ ý cùng Shark Linh đầu tư cho EIY với con số 3 tỷ cho 45% cổ phần.
Shark Hưng cho biết Cen Land hiện có khoảng 5 vạn nhân viên kinh doanh mà kinh doanh bất động sản cao cấp thì cần thuyết trình hay. Shark chia sẻ một năm công ty mở năm bảy trăm sự kiện mở bán và giới thiệu bất động sản nên rất thiếu người thuyết trình tốt. "Mà chắc chắn thuyết trình tốt bằng tiếng Anh thì tiếng Việt là chuyện nhỏ", Shark Hưng khẳng định. "Ngoài ra tôi có thể tư vấn cho bạn để làm sao sử dụng công nghệ hỗ trợ thêm và đặc biệt là Marketing", Shark Hưng cho biết thêm.
Khi Lan Anh đề nghị con số 3 tỷ cho 30% cổ phần, Shark Hưng phân tích: "Bạn đã đầu tư gì đâu, có 30 triệu rồi lên 500 triệu. Thực ra thì chúng ta ở đây là hiệu ứng cộng hưởng. Bạn phải nghĩ là có chúng tôi vào, các bạn sẽ không phải là như kế hoạch ban đầu của các bạn nữa. Có chúng tôi vào các bạn phải nhân 3, nhân 5, nhân 10 kế hoạch ban đầu này. Những năm sau phải tăng tốc độ cao hơn, 50% một năm và phải đạt đến hàng trăm tỷ trong vòng 5 năm sau".
Nhận thấy sự ngần ngại của startup, Shark Linh đề nghị điều chỉnh số cổ phần 2 Shark sẽ nhận là 40%.
Nhà sáng lập và điều hành EIY tiếp tục đưa thêm phương án 3 tỷ cho 35% cổ phần nhưng không được 2 Shark đồng ý.
Shark Hưng thuyết phục: "Hiệu ứng cộng hưởng rất mạnh. Trong lĩnh vực về tiếng Anh thì Shark Linh có lợi thế rất lớn. Làm KOL (người có sức ảnh hưởng) cho bạn, tầm ảnh hưởng tới các bạn trẻ thì tôi tin tôi có lượng người quan tâm rất lớn".
Còn Shark Linh cho biết: "Em từng training người khác em cũng biết, khi mình dạy không chỉ kỹ năng cứng mà còn kỹ năng mềm. Chị đã phải học thuyết trình tiếng Việt mới có thể ngồi ở đây. Chị cũng đã thuyết trình cả tiếng bằng tiếng Việt, cũng đã biết sự đau khổ của việc mình đang thuyết trình với một ngôn ngữ khác. Chị có thể đồng hành rất nhiều thứ với em".
Cuối cùng Lan Anh đồng ý nhận đầu tư 3 tỷ cho 40% cổ phần từ Shark Linh và Shark Hưng.
Sau màn thuyết trình gọi vốn, Lan Anh cho biết: "Trong 5 năm vừa qua, đội ngũ của EIY và Lan Anh làm việc rất cật lực để đưa EIY đến ngày hôm nay. Lan Anh tin rằng sau Shark Tank mùa 4, EIY sẵn sàng bước ra biển lớn cùng Shark Linh và Shark Hưng".
Chia sẻ về lý do đầu tư, Shark Hưng giải thích: "Tôi rất thích xu hướng dạy tiếng Anh theo mục tiêu cụ thể. Một công đôi việc, chúng ta vừa học được kiến thức trong lĩnh vực đó, vừa luyện được tiếng Anh nữa. Thế nên đây là mô hình mà tôi có hứng thú. Đặc biệt là bạn startup đầy năng lượng, đầy nhiệt huyết... Startup này khó đột biến hay bùng nổ về doanh số nhưng sẽ khá phát triển bền vững, ổn định và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tôi cũng mong có thể đưa vào hệ sinh thái của tôi vì tôi có một học viện là Cen Academy, đang đào tạo huấn luyện các kỹ năng. Trong đó có kỹ năng về thuyết trình và tiếng Anh cho các nhân viên làm nhiệm vụ thuyết trình và giới thiệu dự án bất động sản. Tôi đang rất thiếu dịch vụ này".