Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm được bảo quản đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ (ảnh minh họa). Ảnh: T.H
Do đó, bà Lan khuyến cáo người tiêu dùng nên ủng hộ các kênh phân phối hiện đại, các chợ truyền thống được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm thay vì giữ thói quen tạt vào các chợ tự phát ven đường để mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đây cũng là cách ủng hộ người nông dân sản xuất sạch, mở đường liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp nhiều hơn.
Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết, hệ thống Saigon Co.op cũng đang sắp xếp lại các khu trưng bày tại Co.opmart để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận hơn đến các sản phẩm hữu cơ.
Cũng theo ông Kiên, một khảo sát của Saigon Co.op cho thấy, thị trường thực phẩm hữu cơ đang rất sôi động, mỗi tháng, người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM chi khoảng 30 tỷ đồng cho thực phẩm hữu cơ. Thậm chí, số người sẵn sàng mua nông sản hữu cơ có thể tăng lên gấp 10 lần ngay lập tức nếu thị trường đáp ứng được các yếu tố như nguồn cung, cách tiếp thị tốt…
Tuy nhiên hiện nay, sản xuất hữu cơ ở Việt Nam còn khá hiếm, người nông dân sau nhiều năm thâm canh, sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… đã dần quên đi cách sản xuất hữu cơ, và nguồn đất, nước cũng đã ô nhiễm nhiều. Do đó, nguồn cung rất hạn chế.
Về vấn đề này, bà Phong Lan cho rằng, hiện nay bước xuống phố, người tiêu dùng gặp rất nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, có tình trạng thật giả lẫn lộn, nhập nhằng về chất lượng. Do đó, sắp tới, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kiểm tra, khảo sát tất cả các cơ sở kinh doanh này. Những đơn vị nào đã có giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ các loại (như chứng nhận hữu cơ của Mỹ, Nhật, EU…) thì sẽ được công khai danh sách trên website của ban, tránh tình trạng người tiêu dùng bị lừa.