Hãy thử tưởng tượng bạn đang ở trên một chuyến bay 6 tiếng, nhưng ngay trước khi cất cánh, bạn phát hiện ra hãng hàng không này có một chính sách mới: Bạn phải trả tiền thì mới được ngả ghế. Việc này đặt ra 2 câu hỏi: Đầu tiên là, bạn sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho hành khách ngồi sau để đẩy ghế lùi lại? Thứ hai, hành khách ngồi sau sẽ đòi bao nhiêu tiền?
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát và nhận thấy rằng những người này chỉ sẵn sàng chi khoảng 12 USD để "duỗi chân" trên máy bay, trong khi những hành khách ngồi sau không muốn "bán" khoảng trống với giá dưới 39 USD.
Sự khác biệt này được các nhà kinh tế học gọi là "hiệu ứng sở hữu", khi một người đưa ra mức định giá cao cho thứ mình sở hữu hơn là thứ mình không có. Vì vậy, nếu bạn là người "bán" khoảng trống ở chỗ ngồi của mình, thì nó sẽ có giá trị cao hơn 27 USD so với chỗ ngồi của hành khách ngồi trước, chỉ đơn giản nó là của bạn.
Trong cuốn sách "Stumbling on Happiness" của nhà tâm lý học và nhà văn Daniel Gilbert, ông giải thích rằng hiệu ứng này xảy ra trong suốt cuộc đời của chúng ta. "Người tiêu dùng định giá các thiết bị nhà bếp ở mức cao hơn sau khi mua chúng, các ứng viên đánh giá cao công việc của họ hơn sau khi được nhận và các học sinh trung học đánh giá cao các trường đại học hơn sau khi họ chính thức đi học."
Nói một cách khác, một cái máy nướng bánh mì, một ngôi trường đại học hay thậm chí là một công việc đều đẹp đẽ và đáng yêu. Nhưng khi bạn đạt được mục tiêu với chúng thì ngay lập tức chúng sẽ trở nên thú vị và tích cực hơn thế.
Bẫy tâm lý đối với các nhà đầu tư
Có thể bạn cho rằng việc đưa ra mức định giá cao hơn cho những thứ mình sở hữu là một hành vi vô hại, nhưng nó cũng mang lại những điều bất lợi. Ví dụ, việc này sẽ không giúp ích gì khi bạn đang nắm giữ một khoản đầu tư thua lỗ.
Trường hợp này thường xuyên xảy ra. Các nhà đầu tư nghĩ về số tiền mà họ chi cho một cổ phiếu hoặc nơi khoản tiền đó được rót vào từ 6 tháng trước và sau đó cố gắng tìm ra cơ hội để lấy lại nó. Thực tế, các khoản đầu tư lại không hề "quan tâm" để những gì bạn đã phải chi trả.
Và một yếu tố khác gây bất lợi cho các nhà đầu tư đó là định kiến đối với các khoản lỗ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta có "ác cảm" đối với những khoản thua lỗ cao từ 2 đến 2,5 lần so với tâm lý về khoản lời. Nói một cách đơn giản, chúng ta thích lợi nhuận nhưng ghét việc bị thua lỗ.
Các nhà đầu tư có xu hướng dành sự tập trung quá lớn đối với các khoản đầu tư thua lỗ, quên đi những cơ hội mới.
Vì thế, các nhà đầu tư bị chi phối bởi 2 yếu tố: Họ yêu thích những khoản đầu tư mình đang nắm giữ, bởi họ đang kiểm soát chúng và họ khó chịu khi thua lỗ. Đây là những gì khiến các nhà đầu tư liên tục "theo sát" các khoản đầu tư hàng năm trời, khiến lợi nhuận tiềm năng mất đi.
Để tránh được cái bẫy này, hãy trả lời một câu hỏi mà những người thành công luôn tự hỏi bản thân họ về những khoản đầu tư họ đang nắm giữ: "Nếu ngày hôm nay bạn không nắm giữ mã cổ phiếu hay trái phiếu này, thì liệu bây giờ bạn có sẵn sàng mua chúng?" Nếu câu trả lời là không, thì hãy bán ra. Và nếu câu hỏi là có thì tiếp tục nắm giữ. Nó chỉ đơn giản vậy thôi.
Ngay cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng thực hiện quy tắc này
Warren Buffett nhắc đi nhắc lại về ý tưởng này khi ông viết bức thư thường niên năm 1996 gửi tới các cổ đông: "Nếu bạn không muốn nắm giữ chỉ một mã cổ phiếu trong 10 năm, thì đừng nghĩ đến việc sở hữu nó trong vòng 10 phút."
Trong bức thư năm 1998, ông viết: "chúng tôi đã thực hiện một khoản đầu tư lớn vào Federal Home Loan Mortgage Pfd. (‘Freddie Mac’) và Coca Cola. Chúng tôi dự kiến sẽ nắm giữ những cổ phiếu này trong một thời gian dài. Thực tế là, khi chúng tôi sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp xuất sắc với đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, thì chúng tôi muốn nắm giữ mãi mãi."
Ngay cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng tự đặt ra câu hỏi trên để cân nhắc về các khoản đầu tư.
Tuy nhiên, vào năm 2000, ông đã bán ra cổ phiếu của Freddie Mac. Ông viết trong bức thư thường niên năm đó: "Bởi vậy, chúng tôi cố gắng duy trì những ước tính của mình và tập trung vào tập trung vào những ngành công nghiệp - sở hữu những hoạt động kinh doanh khó có thể gây lỗ cho nhà đầu tư". Buffett viết thêm: "Dẫu vậy, chúng tôi mắc khá nhiều sai lầm."
Khi bạn bán ra, bạn nên điều chỉnh lại chiến lược đầu tư và cải thiện khả năng để đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Bởi vậy, danh mục đầu tư của bạn sẽ được cải thiện.
Thị trường không "quan tâm" bạn đã phải chi trả bao nhiêu
Các nhà đầu tư rất dễ lâm vào thế bị động khi bán ra, đặc biệt là khi thua lỗ, nhưng điều thực sự quan trọng là khoản tiền của bạn nên được đầu tư hiệu quả nhất có thể. Và điều đó có nghĩa là liên tục cân nhắc về tư duy đầu tư của mình trong quá khứ. Như tỷ phú Sam Zell từng nói: "Mỗi khi bạn không thể bán ra, bạn hãy mua."
Nghiên cứu cho thấy chúng ta không tự nhiên mà có suy nghĩ như vậy. Chúng ta có xu hướng tập trung vào những gì đã mất, thay vì những gì chúng ta đã đạt được. Đó là lý do tại sao chúng ta lại tiếp tục nắm giữ những khoản đầu tư thua lỗ, làm một công việc không mang lại lợi ích gì hay những mối quan hệ xấu. Chúng ta thường nghĩ rằng: "Lần sau mình sẽ thực hiện khác đi", nhưng vấn đề là lại không có "lần sau". Bạn sẽ không có cơ hội thứ hai để làm điều đó.