LTS: Góc nhìn mới mẻ dưới đây của ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT về giải thưởng doanh nghiệp số, sản phẩm số Make in Vietnam đã nhận được ý kiến đồng thuận của nhiều người.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và đã đăng trên trang Facebook cá nhân. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:
Mấy hôm nay giới ICT Việt Nam đang say sưa với số lượng trên 50.000 doanh nghiệp số, say sưa với các giải thưởng doanh nghiệp số, giải thưởng cho các giải pháp, sản phẩm, nền tảng số MAKE VIỆT NAM.
Đáng mừng lắm chứ, khi mà giải pháp Base đã được hơn 5.000 doanh nghiệp Việt Nam tin dùng (thay vì dùng sản phẩm nước ngoài). Đáng mừng lắm chứ, khi mà Akabot đã bán được bản quyền nhiều triệu (tiền Trump) cho các khách hàng Nhật Bản, Châu Âu, Châu Á.
Ông Đỗ Cao Bảo. (Ảnh: Internet)
Trong niềm vui lớn đó, cá nhân tôi vẫn thấy ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì mình tiến 1, mấy ông hàng xóm còn tiến 2, tiến 3.
Trong cõi sâu thẳm từ lâu vẫn day dứt một câu hỏi: “Liệu chúng ta đã bắt đúng bệnh, đã đi đúng hướng chưa”?
Các bạn hãy cùng tôi trả lời câu hỏi: “Tại sao Việt Nam là đất nước của xe máy mà lại để Grab (Singapore, Malaysia) và Gojek (Indonesia) làm chủ thị trường vận chuyển (ô tô, xe máy, ship đồ ăn) Việt Nam, các doanh nghiệp số Việt Nam ở đâu trong chiếc bánh lớn ấy trên sân nhà”?
Các bạn hãy cùng tôi trả lời câu hỏi: “Tại sao Việt Nam chưa có startup, chưa có doanh nghiệp số nào go global chiếm lĩnh thị trường Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Cambodia, được định giá 5 tỷ tiền Trump (Gojek), 10-16 tỷ tiền Trump (Grab)”?
Tôi cho rằng mấu chốt là chúng ta chưa có tư duy quốc tế, tư duy GO GLOBAL, chưa biết BÁN HÀNG, chưa biết bán hàng quốc tế. Đấy là cái Việt Nam thiếu nhất, chứ không phải thiếu sản phẩm “Make in Vietnam”.
Làm sản phẩm “make in Vietnam” rất khó, nhưng chúng ta đã làm được, không chỉ làm ốc vít, chúng ta đã làm Van đồng công nghiệp, Camera AI, điện thoại Vsmart, ô tô bán tải xuất khẩu sang Mỹ, chúng ta đã làm Base, Akabot chức năng và chất lượng tốt. Nhưng vấn đề là số lượng vẫn ít, ít không phải vì chất lượng sản phẩm mà vì chúng ta chưa có thương hiệu, chưa biết bán hàng, chưa biết marketing quốc tế.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng: muốn sản phẩm có chất lượng quốc tế thì nó phải được người dùng quốc tế kiểm nghiệm và sử dụng. Muốn họ kiểm nghiệm và sử dụng thì phải biết bán hàng quốc tế, không biết bán hàng quốc tế thì không bao giờ có sản phẩm quốc tế.
Vâng, cái mà chúng ta thiếu không phải là làm sản phẩm make in Vietnam mà chính là tư duy kinh doanh quốc tế, kỹ năng marketing, bán hàng quốc tế.
Tư duy chưa chuẩn thì thay đổi tư duy, kỹ năng chưa biết thì học, tinh thần máu lửa chưa có thì cùng nắm tay nhau tiến lên, nhưng bắt bệnh sai thì chịu.