Trong khi nhiều ông chủ nhà băng đang hân hoan với kết quả kinh doanh bảo hiểm tháng 01 năm 2022 thì với nhiều khách hàng vay vốn, "nước mắt tuôn rơi" khi phải bấm bụng đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dù lòng không muốn.
Sau những cái bắt tay chiến lược giữa Ngân hàng và Công ty bảo hiểm, khách hàng có thật sự hưởng lợi?
Dư luận và các phương tiện đại chúng đã nhiều lần đăng tin phản ánh tình trạng "Muốn vay vốn tại Ngân hàng thì phải mua bảo hiểm nhân thọ", các ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp, quy định để chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Bộ Tài chính đã có công văn số 8533/BTC-QLBH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Tuy nhiên, rất khó xử phạt một cá nhân hay tổ chức tín dụng vì lỗi "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng, vì trên thực tế chủ trương của các nhà băng không bao giờ "ép" khách hàng.
Thông thường, các ngân hàng hiện nay sẽ đưa ra những "gói sản phẩm" khác nhau dành cho các khách hàng lựa chọn, theo đó, lãi suất cho vay không kèm bảo hiểm nhân thọ và lãi suất cho vay có tham gia bảo hiểm nhân thọ là khác nhau.
Đương nhiên, khách hàng nếu tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn. Đứng trên bài toán lợi ích, khách hàng có thể đưa ra sự lựa chọn, có hay không tham gia bảo hiểm nhân thọ, hoặc tham gia với giá trị phí là bao nhiêu.
Có nhiều ý kiến xoay quanh câu hỏi này khi được đặt ra trên diễn đàn bảo hiểm "Như vậy phải chăng ngân hàng đang dùng quyền lực mềm để bắt khách hàng tham gia bảo hiểm?"
Thực ra bản thân các nhà băng khi đã ký vào những hợp đồng liên kết bảo hiểm hàng trăm triệu USD cũng phải gánh trên vai chỉ tiêu bán bảo hiểm, vì vậy trong chiến thuật kinh doanh của mình, họ có thể chấp nhận hi sinh một phần lợi nhuận từ lãi vay để thu về phí bảo hiểm.
Thế nhưng, nhân viên tư vấn trực tiếp vì muốn bán được bảo hiểm nên có thể thiếu minh bạch trong việc đưa ra thông tin đầy đủ về lãi suất gói vay ngay từ đầu để khách hàng cân nhắc, đẩy khách hàng vào thế đã rồi.
Chẳng hạn, ban đầu giới thiệu lãi suất ưu đãi 6%/năm, sau đó đến trước khi khách hàng đặt bút ký giấy nhận nợ, nhân viên mới nói thêm "mức 6% là lãi suất nếu anh/chị tham gia bảo hiểm nhân thọ. Nếu không lãi suất sẽ là 8%".
Khách hàng lúc đó tái mặt khi hợp đồng thế chấp đã ký, sổ đỏ đã đăng ký thế chấp, đành "bấm bụng", hoặc lựa chọn tham gia bảo hiểm để được lãi suất thấp hoặc chấp nhận giải ngân với lãi suất cao.
Một trường hợp khác, nhân viên tư vấn lãi suất ưu đãi và không ưu đãi ngay từ đầu. Khách hàng chọn lãi suất cao, kiên quyết không tham gia bảo hiểm nhân thọ. Cứ tưởng như vậy là ổn, ai ngờ: "Trên danh nghĩa nói là cho khách hàng lựa chọn nhưng chọn không tham gia bảo hiểm thì hồ sơ ngâm rất lâu, chờ đến cả tháng trời mới được giải ngân."
Hay như một người khác để lại bình luận: "Ban đầu tư vấn bảo hiểm, nhân viên ngọt ngào nhiệt tình lắm. Sau bảo không tham gia bảo hiểm, quay ngoắt 180 độ, nói luôn là ‘khoản vay của anh chị không tự nguyện mua bảo hiểm nhân thọ nên sếp em chưa duyệt, anh chị chờ ít hôm em trình tiếp’”.
Anh T - một người làm kinh doanh tại Hà Nội từng người tuyên bố cạch mặt Ngân hàng X vì một trải nghiệm rất không vui. “Hẹn với người bán thời gian trả tiền nhà, nhân viên tín dụng hứa như đinh đóng cột ngày giờ ấy sẽ giải ngân. Đến phút cuối cùng lại bảo, hồ sơ của anh phải tham gia bảo hiểm mới giải ngân được trong hôm nay."
Bên cạnh những khách hàng "thừa nhận" từng phải tham gia gói bảo hiểm nhân thọ năm đầu để được giải ngân thì cũng có những khách hàng rất "cứng".
"Ép hay không ở khách hàng thôi. Tôi cũng là người vay ngân hàng bị ép mua bảo hiểm với lý do là để bảo vệ khoản vay, nếu có vấn đề gì thì có bảo hiểm lo. Tôi nói thẳng luôn có vấn đề không trả được thì sẽ thanh lý tài sản thế chấp. Cho vay thì vay, không thì trả lại hồ sơ tôi đi vay ngân hàng khác".
Cũng theo người này chia sẻ, trước thái độ quyết liệt của anh, cuối cùng Ngân hàng vẫn xét duyệt hồ sơ vay vốn mà không yêu cầu mua bảo hiểm.
Đồng tình với anh, một số người khác bày tỏ quan điểm: "Ép mua bảo hiểm thì sang ngân hàng khác thôi. Ngân hàng đâu có thiếu."
Tuy nhiên không phải ai cũng có thể dễ dàng chuyển dịch hồ sơ vay. Thứ nhất, vì thời gian giải quyết một bộ hồ sơ vay thường mất vài ngày đến thậm chí vài tuần, nên khi khách hàng đã có kế hoạch sử dụng tiền không phải ai cũng có thể rút hồ sơ thực hiện lại từ đầu ở ngân hàng khác.
Thứ hai, khách hàng ngại mất công làm lại từ đầu những khâu như thẩm định tài sản, thẩm định nguồn trả nợ,...
Thứ ba, rủi ro bị lưu vết CIC khiến ngân hàng sau nghi ngờ. Khi một ngân hàng đã tra CIC (thông tin lịch sử tín dụng) của bạn, lịch sử này được lưu lại và Ngân hàng khác khi nhận hồ sơ sẽ đặt ra câu hỏi "Tại sao Ngân hàng trước đó không cho vay?"
Thứ tư, có những khách hàng tài chính yếu hoặc tài sản bảo đảm ở vùng ngoại thành, ngoại ô, tài sản của bên thứ ba,... hồ sơ có một điểm trừ nào đó, khiến cho khách hàng trở thành "cửa dưới" với ngân hàng, bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân.
Trước tình trạng này, thiết nghĩ mỗi khách hàng khi có nộp hồ sơ vay vốn ở ngân hàng cần xác định rõ bản thân và gia đình có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ không? Nếu không, hoặc đã tham gia thì nên trao đổi rõ ràng và thẳng thắn với nhân viên tín dụng phụ trách hồ sơ ngay từ đầu về nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng nên tìm hiểu qua về trình tự, thủ tục hồ sơ vay vốn của Ngân hàng để nắm rõ được về thời gian, chi phí,... Cuối cùng, việc sử dụng vốn vay nên có kế hoạch để tránh rơi vào tình trạng gấp gáp, bị động.
Trong trường hợp nhận thấy nhân viên tín dụng có dấu hiệu "gây khó dễ" hồ sơ khi không tham gia bảo hiểm, khách hàng có thể liên lạc với đường dây nóng các Ngân hàng để phản ánh.