Đó là những chiêu trò trong vụ án "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đã bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử hồi đầu tháng 5 vừa qua. Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc câu kết với một số người, trong đó có cán bộ ngân hàng để lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của VietABank, PVcomBank, NCB và nhiều cá nhân khác.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (hàng đầu, bên phải) cùng các đồng phạm tại tòa sáng 4/5/2022. Ảnh: TP
Có sự “tiếp tay” của những cán bộ biến chất
Thủ đoạn chính của Thành là “dụ” những người túi tiền rủng rỉnh gửi vào các ngân hàng mà Thành có quan hệ. Rồi thỏa thuận vay tiền chấp nhận trả cho chủ sổ lãi suất cao cắt cổ nhưng giữ sổ tiết kiệm của họ.
Sau đó, Thành và đồng phạm đã giả mạo chữ ký của “khổ chủ”, lập giả các giấy tờ có công chứng để hoàn thiện thủ tục vay vốn cho các doanh nghiệp bằng tài sản đảm bảo chính là những sổ tiết kiệm đang cầm và rút tiền từ ngân hàng.
Ngoài ra, Thành còn dùng thủ đoạn góp tiền, đồng gửi tiết kiệm cùng một số nạn nhân để được hưởng lãi suất ngân hàng cao hơn. Sau đó, cũng cầm sổ tiết kiệm này, giả mạo chữ ký của người đồng sở hữu, thế chấp vào ngân hàng để vay vốn cho các doanh nghiệp, rồi rút ra chi tiêu mà người gửi tiền cùng không hề biết.
Cụ thể, năm 2018, qua làm ăn, Thành biết ông Đặng Nghĩa Toàn và vợ Tạ Thị Thu Trang đang có khoản tiền 52 tỷ đồng. Để vay vốn vợ chồng Toàn, Thành đề nghị vay tiền bằng hình thức gửi 52 tỷ vào ngân hàng do Thành quen biết và hướng dẫn là PVcomBank, sau đó đưa sổ tiết kiệm cho mình và nhận lãi ngoài. Ông Toàn đã gửi số tiền vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ, rồi đưa cả 3 sổ cho Thành giữ và nhận lãi tiền mặt 4,2%/tháng, tương đương khoảng 50,4%/năm.
Tiếp đến, Thành và đồng bọn đã làm giả hồ sơ thông qua pháp nhân các doanh nghiệp là Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn bà Trang (đã giao cho Thành) gửi tại ngân hàng này.
Các nhân viên ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ đã tin Thành là khách vip nên thiếu trách nhiệm, giao hồ sơ cho Thành tự đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Toàn để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm. Từ sơ hở này, Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Toàn rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền PVcomBank.
Khi phê duyệt hồ sơ, Đỗ Minh Đức người được uỷ quyền của Giám đốc Trung tâm phát triển khách hàng miền Bắc - PVB phê duyệt đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp vợ chồng ông Toàn mà nhờ Thành cầm đưa ký hộ song Đức chủ quan, chỉ kiểm tra lại trên máy tính và vẫn ký duyệt cấp tín dụng 49,4 tỷ đồng.
Đây chỉ là một điển hình trong hàng chục vụ án lừa đảo xảy ra trong thời gian gần đây. Theo nhận định của các chuyên gia, điểm chung của những vụ việc này là có sự “tiếp tay” của những cán bộ biến chất trong hệ thống ngân hàng. Nhiều vụ việc lợi dụng sự quen biết, tin tưởng của khách hàng để lừa đảo, làm giả sổ tiết kiệm và chiếm đoạt tiền của người gửi. Đáng chú ý, trong khi quy định việc gửi tiền phải thực hiện tại ngân hàng thì không ít khách hàng vẫn chủ quan gọi điện thoại yêu cầu nhân viên ngân hàng đến giao dịch tại nhà. Theo các chuyên gia, việc này có thể mang lại sự tiện lợi cho khách hàng nhưng lại là kẽ hở có thể bị lợi dụng để chiếm đoạt tiền của người gửi.
Điển hình như cuối năm 2020, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phát đi thông tin về sự việc gần 6 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của một khách hàng tại ngân hàng này bị "bốc hơi" khiến dư luận xôn xao.
Cụ thể, vào tháng 3/2019, OCB nhận được yêu cầu của bà Huỳnh Tuyết Hằng, thông qua đại diện là Công ty Luật Hưng Yên về việc OCB phải hoàn trả số tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng. Khi nhận được yêu cầu, OCB đã kiểm tra và xác định sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên bà Hằng là giả. Cụ thể, phôi sổ tiết kiệm bị làm giả, chữ ký của đại diện OCB trên các chứng từ không đúng và mẫu dấu sử dụng không phải mẫu dấu thật của OCB.
Do vậy, OCB cho rằng không có căn cứ xác định OCB có nhận tiền huy động của bà Hằng với số tiền 6 tỷ như bà Hằng trình bày, vì toàn bộ hồ sơ liên quan của bà Hằng cung cấp là hồ sơ giả. Mặc dù trước đó bà Hằng đã mở tài khoản thanh toán tại OCB và sử dụng liên tục tài khoản này theo quy định để thực hiện các giao dịch. Tất cả các giao dịch của bà Hằng trên tài khoản đều được thể hiện cụ thể theo sao kê tài khoản và hoàn toàn không có khoản tiền gần 6 tỷ như bà nêu trên.
Xét thấy vụ việc này có thể liên quan đến hành vi lừa đảo của Vũ Phương Thảo (cựu nhân viên OCB), ngân hàng này đã hỗ trợ bà Hằng tới gặp cơ quan điều tra, đơn vị thụ lý vụ án Vũ Phương Thảo, để được hướng dẫn.
Theo đó, khi còn là nhân viên của OCB, Vũ Phương Thảo là cán bộ tại bộ phận xử lý giao dịch tín dụng, thuộc khối hỗ trợ. Bà Thảo không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn của khách hàng tại OCB.
Theo thông tin của Cơ quan điều tra - Công An TPHCM, Vũ Phương Thảo đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để hưởng lãi suất cao. Thảo đã lập sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi giả để chuyển cho các cá nhân này. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo của Thảo, OCB đã chủ động tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Luật sư Trần Hồng Tình - Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: NVCC
Làm gì để tránh rủi ro?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Hồng Tình – Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Thanh Bình lưu ý rằng, lãi suất là yếu tố nhiều người gửi tiền quan tâm đầu tiên và ai cũng muốn lãi suất cao. Tuy nhiên, khách hàng không nên quá tập trung vào lãi suất. Bởi vì lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn.
Theo luật sư Trần Hồng Tình, ở các ngân hàng đều có quy trình nghiệp vụ, kiểm soát hoạt động kho quỹ, kiểm toán nội bộ… Vì vậy, việc cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng vị trí công việc để “tiếp tay” cho những hành vi phạm pháp cho thấy quy trình kiểm soát chưa chặt chẽ. Để tránh tình trạng cán bộ, nhân viên ngân hàng gian lận, các điểm giao dịch ngân hàng cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát hằng ngày thông qua hệ thống camera và giữa các bộ phận, nhất là ở khâu phát hành sổ tiết kiệm. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài khoản của khách hàng và xây dựng quy trình tuyển chọn nhân viên chặt chẽ hơn.
“Phía ngân hàng cần áp dụng các quy định và quy trình quản lý để bảo vệ ngân hàng và khách hàng trước những thất thoát và thiệt hại xảy ra. Phải luôn đảm bảo, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như giữ vững được uy tín, thương hiệu. Để đảm bảo an toàn giao dịch, an toàn tiền gửi, không chỉ tổ chức tín dụng mà cả người gửi tiền đều phải tuân thủ các quy định pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn” – Luật sư Tình chia sẻ.
Cũng nhận định với Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng làm giả sổ tiết kiệm để lừa đảo qua những vụ án trên, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, nguyên nhân do việc kiểm soát hoạt động kho quỹ của một số ngân hàng, kiểm toán nội bộ tất cả quy trình nghiệp vụ chưa được chặt chẽ. Từ đó cán bộ ngân hàng lợi dụng hoặc câu kết với bên ngoài rút tiền của khách. Chẳng hạn sổ tiết kiệm chưa ghi gì cả (phôi sổ tiết kiệm - PV) được đánh số từ 1 - 1.000. Thực tế, quy trình quản lý phôi sổ rất chặt chẽ, nhưng nhân viên có ý đồ xấu không lấy sổ số 1 ra mà lấy sổ phía gần 1.000, nên kiểm toán nội bộ chưa phát hiện ra ngay để ngăn chặn kịp thời.
“Để tránh những gian lận này, các điểm giao dịch của ngân hàng phải kiểm soát hàng ngày, chặt chẽ ở khâu phát hành sổ tiết kiệm”, luật sư Hiệp khuyến cáo.
Theo luật sư Hiệp, khách hàng gửi tiết kiệm, đặc biệt là trường hợp gửi tiết kiệm mà không liên hệ trực tiếp đến ngân hàng phải lưu ý các khuyến cáo từ phía ngân hàng. Một điểm mà khách hàng rất dễ “chết” ở chỗ chọn ngân hàng gửi tiết kiệm có lãi suất cao mà bỏ qua các bước kiểm tra. “Đặc biệt, hệ lụy nguy hiểm và nghiêm trọng hơn cả là niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng bị mất nếu những vụ việc tương tự còn xảy ra” – Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ.