Từ tháng 10/2017, lần đầu tiên EU giơ thẻ vàng đối với thủy sản và yêu cầu Việt Nam phải chấn chỉnh lại ngành đánh bắt cá của mình trong vòng 6 tháng và sau thời hạn đó nếu tình hình không được cải thiện hoặc tồi tệ hơn thì EU sẽ chính thức áp thẻ đỏ, cấm Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Đây là một việc khá nghiêm trọng và gây tổn thất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam do EU là một trong thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch khoảng 400-450 triệu USD/năm
Để dẫn đến tình trạng này là do đánh bắt ngành thủy sản ngoài khơi của Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề.
Cụ thể như, việc đánh bắt cá hầu như theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chỉ có 1 lượng nhỏ đánh bắt hợp tác. Bên cạnh đó, trình độ ngư dân còn thấp, ý thức pháp luật và hiểu biết còn thiếu, trang thiết bị đánh bắt, thông tin, liệc lạc với cơ quan kiểm soát còn lạc hậu... Mặc dù đã có nhiều ngăn chặn tuy nhiên hiện tượng tàu đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển thuộc địa phận nước ngoài vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là thiếu quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ, buông lỏng đến mức báo động đối với hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển.
Theo Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), đây là lần đầu tiên EU giơ thẻ vàng cho Việt Nam tuy nhiên lại không phải là lần đầu tiên EU giơ thẻ vàng. EU đã từng áp thẻ vàng với rất nhiều nước/vùng lãnh thổ trên thế giới ví dụ như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... và thẻ đỏ cho Campuchia.
"Đáng lẽ ra chúng ta phải rút kinh nghiệm và bài học khi EU giơ thẻ vàng đến với các nước và vùng lãnh thổ đó. Ngay cả khi EU giơ thẻ vàng với nước ta và chúng ta không làm được tốt thì rất có nhiều khả năng thủy sản Việt Nam sẽ phải chịu thẻ đỏ. Vừa qua, Việt Nam đã có nhiều biệp pháp tuy nhiên tôi cho rằng chưa đủ mạnh và cái khó nhất ở đây chính là khâu kiểm soát", ông Phương bày tỏ.
Ông cho biết, cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật và thực thi pháp luật bao gồm pháp luật Việt Nam và pháp luật thế giới cho ngư dân. Ngoài ra, quan trọng nhất là phải kiểm soát, nhà nước phải hoàn thiện tài chế quản lý đối với thủy hải sản, xây dựng quy mô đội tàu, khống chế tàu khai thác thủy hải sản phù hợp với tiềm năng biển và hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát.
"Nước ta cần phải có hệ thống chứng nhận nguồn gốc của thủy sản. Đây là việc rất khó và vẫn chưa làm được. Nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện không chứng thực được nguồn gốc thủy hải sản. Doanh nghiệp chế biến thường thu mua ở tàu cá về nhưng không có chứng nhận là xuất xứ ở đâu thì khi xuất sang EU họ sẽ không mua", ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, trong trường hợp xấu nhất khi EU áp thẻ đỏ lên thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn lớn, ngay cả những doanh nghiệp chân chính cũng sẽ chịu ảnh hưởng, tác động xấu. Thị trường trong nước cũng sẽ chịu tác động bởi thủy sản không được xuất khẩu sẽ dẫn đến nguồn cung dư thừa và giá cả giảm mạnh, người đánh bắt cá cũng như doanh nghiệp chế biết sẽ chịu nhiều tổn thất.