Gần một năm trước, hơn 1 tỷ cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chính thức được giao dịch trên HoSE. Chào sàn đúng ngày thị trường "rực lửa", cổ đông OCB trở thành những người "buồn" nhất trong phiên 28/1/2021 khi cổ phiếu giảm xấp xỉ 20% so với giá tham chiếu.
Tuy nhiên, không để cổ đông thất vọng quá lâu, OCB đã bật tăng mạnh mẽ và nhanh chóng lấy lại những gì đã mất chỉ trong 4 phiên giao dịch sau đó. Đồng thời, cổ phiếu này còn duy trì được nhịp tăng giá trong những tháng tiếp theo.
Sau khi hạ nhiệt vào tháng 7 và tháng 8, OCB tiếp tục leo dốc’ trong những tháng cuối cùng của năm 2021. Đóng cửa ngày 31/12/2021, thị giá cổ phiếu này dừng ở mức 27.300 đồng, tăng hơn 49% so với mức tham chiếu khi lên sàn (đã điều chỉnh theo tỷ lệ chia cổ tức 25%). Thậm chí, nếu lấy mức đỉnh 30.400 đồng/cp ghi nhận với cuối tháng 11, thị giá OCB đã tăng hơn 66% trong chưa đầy một năm.
Diễn biến cổ phiếu OCB kể từ khi lên HOSE. (Nguồn: Tradingview)
Sau OCB gần 2 tháng, SeABank cũng đưa 1,2 tỷ cổ phiếu SSB lên HoSE vào ngày 24/3/2021 với giá tham chiếu là 16.800 đồng/cổ phiếu, trong khi trước đó trên sàn OTC, cổ phiếu SSB thường giao dịch ở khoảng 8.000 – 9.000 đồng/cổ phiếu, sau đó tăng dần lên 12.000 – 13.500 đồng/cổ phiếu.
Ngay khi lên sàn SSB đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp lên vùng giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 5 và tháng 6, thị giá SSB tiếp tục tăng gấp đôi lên vùng 45.500 đồng/cp. Sau khi điều chỉnh vào quý III như hầu hết mã ngân hàng khác, cổ phiếu SeABank đã hồi phục mạnh mẽ trong hai tháng cuối năm 2021 và đóng cửa ở mức 45.600 đồng/cp (sau khi đã điều chỉnh cổ tức), gấp hơn 3 lần giá tham chiếu khi chào sàn.
Với mức tăng giá trên, SSB là cổ phiếu có tỷ suất sinh lời tốt nhất nhóm ngân hàng.
Diễn biến cổ phiếu SSB kể từ khi lên HOSE. (Nguồn: Tradingview)
Cũng trong tháng 3, hơn 708 triệu cổ phiếu BAB của Ngân hàng Bắc Á được niêm yết trên HNX với giá tham chiếu 16.000 đồng từ ngày 3/3. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên tại HNX, cổ phiếu BAB tăng kịch trần 30% nhưng chỉ có hai lệnh được khớp trong phiên ATO.
Diễn biến tăng trần với thanh khoản thấp cũng liên tục được ghi nhận trong 4 phiên tiếp theo. Đóng cửa ngày 9/3, cổ phiếu BAB tăng gần 90% sau 5 phiên với tổng khối lượng giao dịch từ lúc lên sàn HNX là 8.800 cổ phiếu.
BAB tiếp tục tăng giá mạnh trong những phiên tiếp theo và đạt đỉnh 34.000 đồng/cp vào ngày 15/3. Giai đoạn sau đó, cổ phiếu này đã liên tục lao dốc mạnh xuống còn 22.600 đồng/cp vào ngày 31/12/2021 (đã điều chỉnh theo cổ tức với tỷ lệ 6,3%). Mặc dù vậy, so với giá tham chiếu khi lên HNX, BAB vẫn tăng hơn 50%.
Diễn biến cổ phiếu BAB kể từ khi lên HNX. (Nguồn: Tradingview)
Ngoài các mã niêm yết mới, SHB cũng chính thức chuyển cổ phiếu sang giao dịch trên HoSE từ ngày 11/10 , biên độ dao động là +/- 7%, giá tham chiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX là 28.900 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên chào sàn 11/10, cổ phiếu SHB tăng 4,8% lên 30.300 đồng với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 50 triệu đơn vị, trị giá trên 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu này đã liên tục đổ đèo xuống vùng 22.300 đồng/cp vào chốt phiên 31/12/2021 (đã điều chỉnh theo cổ tức), tương đương mức giảm gần 4,5% so với mức tham chiếu khi chuyển sàn.
SHB giảm giá sau khi chào sàn HOSE vào ngày 11/10. (Nguồn: Tradingview)
Bên cạnh các mã niêm yết, thị trường chứng khoán năm qua cũng ghi nhận thêm một mã ngân hàng lên giao dịch trên UPCoM là VAB của VietABank.
Theo đó, gần 445 triệu cổ phiếu VAB bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 20/7 với giá tham chiếu 13.500 đồng/cp.
Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã tăng kịch mức cho phép 40% lên 18.900 đồng/cp. VAB tiếp tục tăng mạnh trong 2 phiên sau đó với phiên 21/7 tăng trần 15% và phiên 22/7 tăng 9,62%. Tính chung ba ngày giao dịch trên thị trường UPCoM, cổ phiếu VAB đã tăng tổng cộng gần 69%, lên mức 22.800 đồng/cp.
Nhưng cũng giống các mã trên, cổ phiếu này đã lao dốc mạnh sau đó và liên tục dập dình trong vùng giá 17.000 – 19.000 đồng/cp trong những tháng qua. Chốt năm 2021, thị giá VAB dừng ở 17.900 đồng/cp, tăng gần 33% so với giá tham chiếu lên UPCoM.
Diễn biến cổ phiếu VAB kể từ khi lên UPCoM. (Nguồn: Tradingview)
Như vậy, trong 5 mã ngân hàng lên giao dịch tại UPCoM, niêm yết mới và chuyển sàn năm qua, SHB là cổ phiếu duy nhất giảm so với giá tham chiếu khi lên sàn.