Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã kêu gọi người dân ủng hộ chủ trương “cách ly xã hội” bằng việc hạn chế lang thang trên đường, chỉ đi khi có những nhu cầu cần thiết của cá nhân, gia đình; cấm tụ tập không quá 2 người ở những môi trường ngoài công sở, bệnh viện…; chỉ buôn bán những mặt hàng nằm trong danh mục nhóm hàng thiết yếu như: thực phẩm, y tế…
Kiếm sống qua ngày chờ gọi đi làm trở lại khi hết dịch, nhiều lao động chọn cách bán trái cây. Ảnh: Song Minh
Tại TP.HCM, nhiều chuỗi kinh doanh, tiểu thương, cá nhân đã có những cách làm độc đáo, không chỉ tuân thủ những “mệnh lệnh” trên mà còn là cách “để sống qua những ngày khó khăn” khi sức mua giảm, lượng lao động tạm nghỉ việc ngày càng tăng, với nhiều người đã xài đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng... Phóng viên Dân Việt đã ghi lại những cách mưu sinh “lúc khó ló khôn” trong mùa dịch bệnh Covid-19.
22g ngày 22/3/2020, khi UBND P.13 (Bình Thạnh, TP.HCM) thông báo rào chắn hai bên mặt đường Nguyễn Xí để nâng độ cao (nối vào đại lộ Phạm Văn Đồng), chỉ chừa phần lòng đường cho lưu thông. Thông báo xong, cũng là lúc có lệnh “cách ly xã hội”, công trình tạm dừng. Tận dụng những tấm rào chắn này, nhiều tiểu thương của chợ Nguyễn Xí đã cắt phần trên, thay vào đó là lưới thép có độ hở lớn, để bán thịt, trứng, trái cây…
Một tiểu thương trẻ tuổi cho biết, việc tạo ra khoảng cách này, vừa tránh tiếp xúc gần giữa người mua và người bán, còn có tác dụng che chắn bụi đường bám vào thực phẩm. Quả là sáng tạo!
Tận dụng những tấm rào chắn "cách ly xã hội", nhiều tiểu thương chợ Nguyễn Xí (P.13, Bình Thạnh, TP.HCM) thay bằng lưới sắt để cách ly với khách hàng. Ảnh: Song Minh
Vì sức mua chậm nên hai chị em của “thực phẩm O Ben” vừa bán online, vừa bán trực tiếp với những món gọi là quà quê Bình Định: cua, mãng cầu, khoai lang, xoài xanh, cá đù một nắng, chả cá thu ảo… và vải thiều được trồng trong vườn của xứ Hoài Nhơn (Bình Định).
Cô em liến thoắng: “Cua bao ngon, ngon hơn cua Cà Mau, nếu xốp sẽ trả lại tiền. Còn những món này trồng ở quê, ở nhà gởi theo xe chở hàng”. Giải thích vì sao không bán online, cô chị giải thích: “Hàng bán chậm. Thay vì cứ bán online, nay tạm nghỉ việc vì Covid-19 nên bày ra bán cho khách đi đường. Có ai đặt hàng online, mình giao luôn cho nhanh”. Họ tận dụng nhiều hình thức bán hàng vì… đang rảnh!
Có gì ở quê, cứ gởi vào TP.HCM bán hết! Ảnh: Song Minh
Dù lượng khách đến mua hàng trực tiếp rất ít nhưng Thegioididong.com và Điện máy Xanh của Thế giới Di động, FPT Shop, Di Động Việt… vẫn mở cửa hàng cho khách mua hàng trực tiếp, với yêu cầu: bên trong siêu thị chỉ có 1 khách hàng và một nhân viên bán hàng.
Tại một cửa hàng của Thegioididong.com trên đường Lê Văn Sĩ (Tân Bình, TP.HCM), những chiếc ghế dành cho khách ngồi chờ được đặt cách nhau 2m. Còn tại cửa hàng của FPT Shop trên đường Lê Văn Thọ (Gò Vấp, TP.HCM), nhân viên bảo vệ kiêm luôn công việc đưa từng khách hàng vào bên trong siêu thị coi hàng. Nhân viên bán hàng ở đây giải thích: “Nhiều mặt hàng điện tử phải xem trực tiếp mới có thể mua hàng, còn coi qua mạng khó tưởng tượng lắm nên mới sử dụng chiêu đón từng khách hàng”.
Thực hiện chủ trương "cách ly xã hội" của Chỉ thị 16: người cách người 2m, không tập trung quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện... Trong ảnh: Tại một cửa hàng Thegioididong.com ở Tân Bình (TP.HCM).
Ảnh: Song Minh
Kể từ ngày 1/4/2020, khi Bộ Giao thông – Vận tải ban hành lệnh cấm xe vận chuyển khách công cộng, xe chạy các tuyến cố định…, nhiều hãng xe tạm làm lễ “treo xe”. Nhưng với các hãng xe có nhiều đầu xe chạy nhiều tuyến cố định như Phương Trang vẫn tiếp tục hoạt động nhận và gởi hàng hóa từ TP.HCM chạy các tuyến miền Trung. Một nhân viên giao nhận của Phương Trang cho biết: “Hiện nay, thời gian giao hàng phải từ 3 – 4 ngày vì lượng hàng ít, khi nào đủ hàng xe mới chạy”. Nhân viên giao hàng này còn nói thêm: “Dù không có lời nhưng vẫn phải chạy để giữ khách hàng”.
Dù biết không có lời nhưng Phương Trang vẫn duy trì dịch vụ chuyên chở hàng hóa về các tuyến miền Trung từ nay cho đến ngày 15/4/2020. Ảnh: Song Minh
“Đói đầu gối phải bò”. Nhiều tiểu thương ta thán như vậy. Chỉ riêng chuyện bán hàng mang đi tưởng là dễ nhưng với nhiều chủ quán ăn, “bán hàng mà không ngồi nhìn khách ăn, sao sao ấy; muốn nghe họ khen chê thẳng mặt”. Nhiều người chưa quen bán hàng rong, giờ rảnh quá, tiền đã hết, phải lấy hàng về bán kiếm đồng lời qua ngày…