Tháng 3 doanh thu vẫn tăng trưởng dương
Tại cuộc họp nhà đầu tư hôm nay của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), đại diện MWG cho biết doanh thu tháng 3 của Tập đoàn đạt hơn 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu online có xu hướng tăng, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu tháng 3. Trong đó, tỷ trọng doanh thu online của TGDĐ và Điện máy xanh chiếm 13% so với tổng doanh thu của hai chuỗi này.
Tổng số cửa hàng TGDĐ và ĐMX đã đóng cửa đến cuối tháng 3 là khoảng 10% số cửa hàng, tương đương 10% doanh thu trong điều kiện hoạt động bình thường. Các cửa hàng đóng đa phần tại Hà Nội. Tuy nhiên trong những ngày đóng cửa các cửa hàng này vẫn phục vụ các đơn hàng online.
Các mặt hàng có nhu cầu cao bao gồm thực phẩm và nhu yếu phẩm, laptop, tủ lạnh, thiết bị giải trí tại nhà (loa, karaoke) và gia dụng có điện.
MWG đánh giá tổng cầu tiêu dùng điện thoại và điện máy năm 2020 của Việt Nam sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của người dân và các sự kiện thể thao bị dời sang năm 2021. Tuy nhiên dòng tiền của công ty vẫn lành mạnh, mối quan hệ hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp nên được ưu tiên về nguồn hàng. Ưu tiên hàng đầu của MWG sẽ là đảm bảo dòng tiền lành mạnh, chuẩn bị cho các chương trình thúc đẩy bán hàng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Về việc chia cổ tức bằng tiền mặt, công ty sẽ đề xuất một vài phương án trình ĐHCĐ phê duyệt nếu đảm bảo được dòng tiền.
Dồn toàn lực cho Bách Hoá Xanh, chuẩn bị triển khai mô hình "đi chợ thay cho khách hàng" giống Grabfood
MWG nhận thấy thuận lợi của BHX, do thay đổi hành vi của người tiêu dùng từ mua sắm truyền thống sang hiện đại. Do đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, MWG vẫn tiếp tục kế hoạch mở mới 50-100/cửa hàng mới/tháng nếu không có sự kiện bất thường.
MWG năm nay sẽ dồn lực cho Bách Hoá Xanh mà không mở rộng các chuỗi khác.
Với các phương án ứng phó với dịch Covid-19, trong trường hợp Nhà nước yêu cầu đóng cửa hàng nhưng vẫn cho phép người dân di chuyển, MWG sẽ triển khai dịch vụ "đi chợ thay cho khách hàng", bao gồm cả thực phẩm tươi sống.
Mô hình "đi chợ thay cho khách hàng" khác với mua online trên web ở chỗ nào? Nếu mua trên website khách hàng sẽ được chọn 5000-7000 mặt hàng và hệ thống giao hàng sẽ lấy hàng từ các kho lớn trong thành phố, xếp dịch giao hàng theo thứ tự "ai đến trước sẽ giao trước", và thời gian giao có thể sẽ mất 1-2 ngày.
Còn việc đi chợ thay sẽ giống mô hình Grabfood nhưng là quan hệ 1-1. Ứng dụng nhận giao hàng nội bộ cho phép nhân viên TGDĐ/ĐMX nhận đơn đặt hàng BHX, đến cửa hàng lấy sản phẩm và đi giao tận nhà cho khách hàng. Các nhân viên này sẽ nhận được phí dịch vụ 30 ngàn đồng/đơn hàng.
Ở cấp độ nhà nước yêu cầu đóng cửa hàng và hạn chế người dân di chuyển (trừ phục vụ nhu cầu thiết yếu), các nhân viên siêu thị TGDD và ĐMX chuyển sang làm việc cho BHX, triển khai thêm lựa chọn đi chợ thay các mặt hàng thiết yếu và giao tận nhà cho khách hàng.
Do đã chuẩn bị nền tảng IT từ trước, BHX đã chuẩn bị để tăng năng suất giao hàng online, hàng ngàn nhân viên TGDĐ/ĐMX ngay lập tức có thể được điều động để hỗ trợ cho chuỗi BHX.
MWG cho biết Tập đoàn đang thương lượng với các chủ nhà để giảm giá thuê 50% hoặc miễn phí thuê trong thời gian phải đóng cửa theo yêu cầu của CQNN. Đối với đối tác quá cứng nhắc – không chia sẻ cùng công ty, MWG sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang địa điểm gần đó với chi phí hợp lý hơn.
"Cuộc chơi của Bách Hoá Xanh là cuộc chơi mở rộng bờ cõi"
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài khi trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về điểm hoà vốn của các cửa hàng Bách Hoá Xanh. Ông Tài cho biết mong muốn của BHX trong 1-2 năm tới là mở rộng nhanh nhất và chiếm thị phần số 1 trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng.
"Tham vọng là rõ ràng nhưng phải lành mạnh, chứ không phải càng mở rộng càng lỗ. Nghĩa là mở rộng thì tiền lời và chi phí phải tiệm cận nhau, và điểm hoà vốn càng gần. Khoảng cách nhỏ dần điểm hoà vốn sẽ tự đến. Để tạo ra điểm hoà vốn ngắn hạn rất dễ, chỉ cần 2-3 tháng ngừng mở rộng các kho mới. Nhưng đó không phải là cuộc chơi của BHX đang chơi, cuộc chơi của chúng tôi là mở rộng bờ cõi", ông Tài chia sẻ với NĐT.
Theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc công ty cho biết 100% cửa hàng BHX trong dịch Covid-19 đều tăng doanh thu và lưu lượng khách hàng. Trong tháng 3, lượt bill (lượt khách vào mua) tăng lên 17 triệu lượt so với 12 triệu lượt của tháng trước (tức là tăng 40-50%). Doanh thu của chuỗi này tăng vọt lên 1.800 tỷ. Lý do là khách hàng nhận ra giá ở BHX không nhảy múa như ở chợ truyền thống và nguồn hàng ổn định. Ông Doanh khá tự tin và cho rằng "tình hình kinh doanh rất tốt, uy tín của điểm mua sắm tăng lên rõ rệt trong mùa dịch", và BHX vẫn giữ kế hoạch mở rộng 100 shop/tháng và vẫn tuân thủ quy định của nhà nước.