Trong một nhà kho phân bón ở Cherepovets, Nga. (Ảnh: Bloomberg)
Nỗ lực này là một phần trong các cuộc đàm phán phức tạp và khó khăn với sự tham gia của Liên Hợp Quốc nhằm tăng nguồn cung phân bón, ngũ cốc và các nông sản khác từ Nga và Ukraine, trong bối cảnh các mặt hàng này rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Giới chức Mỹ và châu Âu cáo buộc Nga dùng lương thực làm vũ khí, ngăn chặn Ukraine xuất khẩu. Nga bác bỏ, cho rằng tình trạng gián đoạn là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt.
Mỹ và EU áp dụng biện pháp miễn trừ để cho phép mua bán phân bón, khi Nga là một nhà cung cấp lớn của thế giới. Nhưng nhiều hãng vận tải biển, ngân hàng và bảo hiểm không muốn tham gia hoạt động này vì sợ có thể vi phạm trừng phạt. Xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 24% từ đầu năm đến nay. Bất ngờ vì thái độ thận trọng đó, giới chức Mỹ giờ đây đang tìm cách thúc đẩy việc mua phân bón.
Nỗ lực này cho thấy những thách thức mà Washington và các đồng minh đang phải đối mặt khi muốn gây sức ép lên Mátxcơva, trong khi cũng muốn hạn chế tác hại lên nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc nhiều vào khí tự nhiên, dầu mỏ, phân bón và ngũ cốc của Nga. Giá các mặt hàng này đã tăng vọt từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2.
Washington đã cử đại diện dự các cuộc đối thoại cho Liên Hợp Quốc chủ trì tại Mátxcơva trong tháng này để bàn về nguồn cung, những người nắm được tình hình cho biết. Lượng phân bón thiếu hụt trong năm nay cũng có thể ảnh hưởng đến cả vụ mùa của năm sau.
Nhà Trắng chưa phản hồi bình luận về thông tin này.
Điện Kremlin kêu gọi Mỹ bảo đảm cho bên mua và bên vận chuyển phân bón và ngũ cốc, để họ không chịu tác động của các lệnh trừng phạt. Kêu gọi này gợi ý điều kiện mà Nga có thể đặt ra cho bất kỳ bước đi nào nhằm dỡ phong toả đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine .
“Đối với Nga, điều thực sự quan trọng là giới chức Mỹ phải gửi tín hiệu rõ ràng rằng những thoả thuận đó được phép tiến hành, và vì an ninh lương thực toàn cầu, họ không nên từ chối”, ông Ivan Timofeev, một chuyên gia về trừng phạt tại Viện các vấn đề quốc tế của Nga, nói.
Nga tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt đang kìm hãm xuất khẩu ngũ cốc của họ, nhưng tổng lượng xuất khẩu trong mùa này của Nga mới giảm 14%, và xuất khẩu lúa mì đã tăng gấp đôi trong tháng 5, theo số liệu của Liên minh ngũ cốc Nga.
Trong khi đó, hơn 25 triệu tấn ngũ cốc, dầu hướng dương và các nông sản khác đang mắc kẹt ở Ukraine vì lo ngại an ninh ở các cảng trên Biển Đen và các tuyến vận tải biển truyền thống. Giới chức cảnh báo tình hình sẽ càng tồi tệ khi vụ thu hoạch mới bắt đầu.