Áp thuế cao gấp 5 lần
Mới đây, ngày 15/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về biện pháp chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1/8/2015 tới 31/7/2016). Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39-7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên.
Trước động thái này của Mỹ, Bộ Công thương cho rằng mức thuế chống bán phá giá với cá tra - basa mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức.
Bộ Công thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Mỹ. Theo đó, đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Theo VASEP, mức thuế này rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Mỹ. VASEP nhìn nhận dù là thị trường lớn và quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam song Mỹ cũng là quốc gia có nhiều thách thức nhất về các rào cản thương mại và kỹ thuật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ đang phải chịu nhiều khó khăn. Không phải bây giờ xuất khẩu cá tra vào Mỹ mới gặp khó khăn mà trước đó năm 2017 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng đã gặp khó rồi, xuất khẩu giảm gần 11%, xuống còn 387 triệu USD. Đáng chú ý, kể từ khi Chương trình Thanh tra cá da trơn có hiệu lực đã khiến xuất khẩu vào thị trường này bị đình trệ và sụt giảm trên 50% trong 3 tháng cuối năm ngoái.
Mặc dù có 62 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra sang Mỹ, nhưng thực tế chưa tới 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu với giá trị đáng kể. Theo dự báo của các doanh nghiệp, ngành cá tra vẫn khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.
Doanh nghiệp vẫn loay hoay với khó khăn
Từng được mệnh danh là “vua cá tra” trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) đã trở thành thua lỗ trong năm 2017, khi đạt doanh thu 15.709 tỷ đồng nhưng chịu lỗ tới 705 tỷ đồng. Trước tình hình này, năm 2018 vẫn là một năm nhiều khó khăn mà doanh nghiệp này cần vượt qua.
Thiệt hại nhất trong cơn bão áp thuế của Mỹ có lẽ là Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hoàng Long, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex 2 khi mỗi kg cá tra xuất khẩu vào Mỹ của hai doanh nghiệp này sẽ bị áp mức 7,74 USD.
Để phù hợp với tình hình mới, một số doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu, chú trọng hơn đến thị trường Trung Quốc. Theo thống kê từ VASEP, xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2018 đạt hơn 172,5 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu dẫn đầu, chiếm 23,9% kim ngạch xuất khẩu, tương ứng hơn 41,2 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ.
VASEP cho rằng, Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu thủy sản khổng lồ trên thế giới nhưng cũng là thị trường có sức tiêu thụ mạnh mẽ không kém. Tuy nhiên, việc mở rộng sang thị trường này được cảnh báo rủi ro như xuất khẩu tiểu ngạch, thị trường thiếu tính ổn định, cung cầu khó dự báo… Đặc biệt là các quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bên liên quan đang tích cực phối hợp với Mỹ trong việc đánh giá điều kiện sản xuất tương đương giữa nghề nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam với Mỹ. Hiện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã hoàn thiện Bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT) theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS).
Mặt khác, Việt Nam vừa chính thức gửi yêu cầu tới Mỹ đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Vân Lam