DN thủy sản gặp khó vì mức thuế chống bán phá giá "khủng" của Mỹ (Ảnh: IT)
Với mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay, dự báo chỉ còn hai doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ là Công ty Vĩnh Hoàn và Biển Đông, vì 2 doanh nghiệp này đóng mức thuế suất theo thỏa thuận.
“Hết cửa” vào thị trường Mỹ?
Theo thống kê, Mỹ hiện là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam (ngoài Trung Quốc), chiếm tỷ trọng xuất khẩu 20%. Cả nước hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất và xuất khẩu cá tra, trong đó, có khoảng 20 doanh nghiệp lớn nắm giữ 70 - 80% sản lượng nguyên liệu. Thế nên, ngày 17.3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1.8.2015 - 31.7.2016) với mức thuế tăng khủng như một gáo nước lạnh dội vào mục tiêu năm 2018 của Bộ NN&PTNN là xuất khẩu cá tra đạt 2 - 2,2 tỷ USD sang thị trường Mỹ.
Cụ thể, theo POR 13, có 9 doanh nghiệp thuộc nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt (gồm Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries) phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.
Riêng 2 doanh nghiệp là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods phải chịu mức thuế lên tới 7,74 USD/kg. Đây được xem là mức thuế cao nhất từ trước đến nay, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.
Với mức thuế này, có thể nói nhiều DN Việt Nam đã “hết cửa” sang Mỹ (trừ Vĩnh Hoàn và Biển Đông) bởi, hầu hết các DN Việt đều đang xuất khẩu cá tra sang Mỹ với mức giá từ 4-5 USD/kg. Với mức thuế 3,87 USD/kg là gần bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mức thuế 7,74 USD/kg là cao gần gấp đôi giá xuất khẩu, qua quyết định này, Mỹ dường như muốn “đóng cửa” thị trường với cá tra Việt Nam.
Ngay sau khi quyết định của DOC được thông qua, trong phiên giao dịch hôm nay, hầu hết các mã cổ phiếu DN cá tra có thị phần lớn ở Mỹ đều quay đầu giảm mạnh, kể cả Vĩnh Hoàn - DN được đánh giá là ít bị tác động của POR 13.
Chẳng hạn, cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương giảm kịch sàn (-7%) về mức 5.320 đồng/CP. Đây cũng là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu HVG. Tương tự, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn cũng giảm 1,2%, về mức giá 55.500 đồng/CP và đây cũng là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu VHC. Hoặc, cổ phiếu IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I - một “ông lớn” trong xuất khẩu cá tra - trong phiên hôm nay cũng giảm 5,1%, về mức giá 15.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh lên tới gần 13 triệu cổ phiếu, cao gấp đôi so với các phiên giao dịch trước.
Nhà đầu tư... thờ ơ
Thực tế, câu chuyện về xuất khẩu thủy sản từ đầu cuối năm 2017 đến nay khá tích cực không chỉ đến từ câu chuyện kết quả kinh doanh năm 2017 khá khả quan mà còn đến từ tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra có diễn biến tốt với giá nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục từ 28.000-29.500 đồng/kg. Thêm vào đó, việc chuyển dịch thị trường từ Mỹ sang các quốc gia khác, đặc biệt Trung Quốc cũng được các DN tính đến và bước đầu có những thành quả khá khả quan xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc năm 2017 chính thức vượt EU và Hoa Kỳ để giành ngôi vị quán quân với tỷ trọng 23%.
Tuy nhiên trên thị trường, ngoại trừ cổ phiếu VHC của Công ty Vĩnh Hoàn, nhiều cổ phiếu khác như HVG, ABT, AGF... lại đang đi ngược với xu hướng tích cực của hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành. Trong đó, trừ HVG của Thủy sản Hùng Vương và AGF của Thủy sản An Giang là có kết quả kinh doanh năm 2017 “thụt lùi” với con số tăng trưởng lợi nhuận âm lần lượt là -705 và -187 tỷ đồng; các DN còn lại đều ghi nhận tăng trưởng đáng kể nhờ giá cá tra tăng mạnh. Chẳng hạn như IDI đạt 354 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với 2016;...
Song thực tế, dường như dòng tiền vẫn chưa tìm đến với nhóm cổ phiếu thủy sản. Ngoài ra, thanh khoản ở mức thấp cũng là một điểm yếu của nhóm cổ phiếu này.
Đánh giá về thực tế có phần “tréo ngoe” này, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định: Nếu phân tích kỹ, có thể thấy việc nhà đầu tư thờ ơ với cổ phiếu ngành thủy sản trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong thời gian qua liên tục tăng không hẳn là không có lý.
Cụ thể, theo chuyên gia này: Thứ nhất, hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Những rủi ro này không chỉ là điều kiện thời tiết khí hậu dẫn đến nguồn cung bị ảnh hưởng mà còn là những rủi ro đến từ thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Mỹ và EU vẫn là 2 thị trường lớn, trong khi Mỹ thì đang thắt chặt việc nhập khẩu bằng các chính sách bảo hộ, áp thuế nhập khẩu mới đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Thì khu vực EU hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế, sức cầu giảm mạnh, lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có xu hướng giảm thời gian gần đây.
Thứ hai, vấn đề nợ đọng của doanh nghiệp thủy sản là nỗi lo lớn của nhà đầu tư. Hiện tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp thủy sản tương đối cao, trong khi tăng trưởng doanh thu không tốt, đây là điểm nghẽn lớn khiến nhà đầu tư chưa có niềm tin vào cổ phiếu ngành này. Chưa kể, ngoài tỷ lệ nợ cao thì sa đà vào đầu tư ngoài ngành cũng là điểm trừ tại một số doanh nghiệp thủy sản.
Cuối cùng, trong ngắn hạn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao nhưng về lâu dài, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi giải quyết được bài toán thị trường, có hướng đi mới triển vọng thì cổ phiếu thủy sản mới mong thu hút được nhà đầu tư.