Ngày 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới 456% đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Vụ việc này được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từ năm 2016.
Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Căn cứ kết luận sơ bộ, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Trước thông tin này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là động thái mạnh từ phía Mỹ khi họ có nghi ngờ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng chưa rõ nguồn gốc nguyên liệu. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Trung Quốc, sẽ rất dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc thuê gia công sản phẩm tại nước thứ 3 để xuất khẩu với mục đích lẩn tránh thuế.
Tuy nhiên, đối với quyết định của DOC, một số doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cho rằng, việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát cho biết, quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Bởi việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cán nguội và thép không gỉ là những mặt hàng mà từ trước đến nay doanh nghiệp chưa xuất khẩu.
Hơn nữa theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, về mặt tổng thể, tập đoàn này không xuất khẩu quá nhiều sản phẩm thép cũng như không áp dụng chính sách "bỏ trứng vào một giỏ" nên tỷ lệ xuất khẩu của Hòa Phát là không lớn và những mặt hàng do DOC đưa ra không nằm trong danh mục xuất khẩu mục của Hòa Phát.
“Ngành thép vẫn là cốt lõi của Tập đoàn, với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn tiến tới chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp tiến tới sẽ làm thép cuộn cán nóng và đây là sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam đầu tiên sản xuất được”, ông Tuấn cho biết.
Một chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép Việt Nam cũng sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước.
Bởi theo ông Sưa, việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu). Năm 2018, Formosa đã sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng, năm 2019 dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn nên là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, cần có có khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế. Ngành thép Việt Nam từ lâu cũng đã chủ động trước động thái này từ các quốc gia nhập khẩu nên đã đa dạng hóa thị trường, lượng thép xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 sang Mỹ cũng đã có mức giảm nhiều so với trước.
Các doanh nghiệp phải chủ động từ nguồn nguyên liệu cũng là quan điểm của bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Bà Giang cho biết, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ phê duyệt Đề án chống lẩn tránh xuất xứ với hàng hóa Việt Nam, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại mà nước ngoài có thể điều tra với Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư trong sản xuất thép cán nóng tại Việt Nam.
Đối với việc DOC ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại nhận định, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Trong trường hợp thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội thép, các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam để hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác./.
Theo dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019 tới đây. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các Hiệp hội doanh nghiệp và phía Hoa Kỳ trong các giai đoạn tiếp theo của vụ viêc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và và các Hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.