Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát, quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của công ty. Bởi việc áp thuế đối với thép cán nguội và thép không gỉ, mà trước đến nay doanh nghiệp chưa xuất khẩu.
Cũng theo Tập đoàn Hòa Phát, về mặt tổng thể, tập đoàn này không xuất khẩu quá nhiều, cũng như chính sách "không bỏ trứng vào một giỏ". Do vậy, tỷ lệ xuất khẩu của Hòa Phát là không lớn. Bên cạnh đó, với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn tiến tới chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất, là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất thép cuộn cán nóng. Đồng thời, sản xuất các loại thép dùng trong công nghiệp phụ trợ cơ khí, ôtô và ngành thép vẫn là sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành thép, quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép Việt Nam cũng không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước.
Ông Sưa cho biết, việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
Năm 2018, Formosa sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng, năm 2019 dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp Việt Nam. "Chúng tôi chỉ khuyến cáo là doanh nghiệp Việt không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế", ông Sưa bày tỏ.
Theo ông Sưa, ngành thép Việt Nam cũng chủ động trước động thái này nên đã đa dạng hóa thị trường và lượng thép xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 sang Mỹ cũng đã có mức giảm nhiều so với trước.
Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Vụ việc này được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từ năm 2016.
Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Xem link bài gốc tại đây