“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra phản ứng ở cấp độ tiếp theo trong ứng phó với loại virus này. Chúng tôi kêu gọi tất cả người Mỹ quan tâm nghiêm túc tới bệnh đậu mùa khỉ”, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra cho hay.
Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, quyết định mới này của chính quyền liên bang sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận với dữ liệu về các ca bệnh cũng như mở rộng kinh phí và công cụ để đối phó với căn bệnh này.
Tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ vượt trên 6.600 trường hợp tại 48 bang hôm 3/8.
Quốc gia này ghi nhận ca bệnh đầu tiên hồi tháng 5 tại Boston.
Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm trên thực tế có thể cao hơn vì bệnh nhân tại Mỹ chỉ được làm xét nghiệm sau khi phát ban, triệu chứng vốn xuất hiện một tuần sau lần đầu tiếp xúc với virus hoặc lâu hơn.
Lần cuối cùng Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là để ứng phó với đại dịch COVID-19 vào tháng 1/2020.
Trước chính quyền liên bang, một số bang Mỹ như California, New York đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ, lây lan qua tiếp xúc gần, gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm và các tổn thương da, song hiếm khi gây tử vong.
Bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong và cũng chưa có trường hợp thiệt mạng nào ở Mỹ. Bệnh nhân thường suy nhược do phát ban trên da.
Thế giới tới nay ghi nhận 8 ca tử vong vì đậu mùa khỉ, chủ yếu là ở châu Phi.
Các quan chức y tế công cộng Mỹ cho biết những người đồng tính nam hoặc nam giới quan hệ lưỡng tính là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất hiện nay.
Khoảng 98% bệnh nhân cung cấp thông tin nhân khẩu học cho các phòng khám tại Mỹ được xác định là nam giới có quan hệ đồng giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể nhiễm virus khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh hoặc lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Nguồn: CNBC