Lầu Năm Góc cho biết cuộc không kích nhằm trả đũa cho một cuộc tấn công bằng tên lửa ở Iraq hồi đầu tháng này, giết chết một nhà thầu dân sự và làm bị thương một thành viên của quân đội Mỹ và nhiều người khác.
Cuộc không kích vừa diễn ra là hành động quân sự đầu tiên do Chính quyền Tổng thống Biden thực hiện. Hành động này nhấn mạnh ý định tập trung nhiều hơn vào những thách nhằm vào nước Mỹ, trong đó bao gồm cả đe dọa quân sự và các vấn đề do Trung Quốc gây ra.
"Phản ứng quân sự tương xứng này được tiến hành cùng với các biện pháp ngoại giao, bao gồm tham vấn với các đối tác liên minh", người phát ngôn Lầu Năm Góc, John Kirby, cho biết khi thông báo về cuộc không khích được tiến hành ngày 25/2.
"Hoạt động này gửi đi một thông điệp rõ ràng: Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các nhân viên Mỹ và liên quân. Đồng thời, chúng tôi đã hành động một cách có chủ ý nhằm làm suy yếu tình hình chung ở miền đông Syria và Iraq", Kirby cho biết.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Mỹ đã phá hủy nhiều cơ sở tại một điểm kiểm soát biên giới do một số nhóm chiến binh mà Iran hậu thuẫn đang sử dụng. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết chưa được công bố.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ tiết lộ thêm, vào khoảng 2 giờ sáng theo giờ địa phương, một chiếc máy bay phản lực F-15 đã bắn vào một cụm nhà tại một địa điểm được cho là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí của các lực lượng dân quân từ Syria và Iraq. Một số ít người có mặt ở khu vực này lúc vụ tấn công xảy ra.
Sau khoảng một thập kỷ nội chiến, quân đội Syria không có đủ năng lực đáp trả trực tiếp một cuộc tấn công của Mỹ. Nước này đã phải đối mặt với 2 cuộc tấn công của quân đội Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. Cả 2 vụ việc đều liên quan đến cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc xung đột.
Bằng cách tấn công một cơ sở ở Syria được co là có mối liên quan đến các nhóm dân quân có liên quan tới Iran, Mỹ đã tránh làm gia tăng căng thẳng có thể xảy ra với nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Hiện tại, Chính quyền Biden đang tìm cách thuyết phục Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà ông Trump đã rút khỏi 3 năm trước.
Cuộc tấn công của Mỹ diễn ra một ngày sau khi ông Biden nói chuyện với Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi. Hai nhà lãnh đạo đã "thảo luận về các cuộc tấn công tên lửa gần đây nhằm vào quân nhân Iraq và liên quân. Họ cũng đồng ý rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công này phải trả giá đầy đủ", Nhà Trắng cho biết.
Các quan chức Chính quyền Biden đã lên án vụ tấn công bằng tên lửa vào ngày 15/2 gần thành phố Irbil trong khu vực do người Kurd bán tự trị của Iraq điều hành. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn chưa xác định được ai đứng sau các vụ tấn công này. Các quan chức Mỹ cũng lưu ý rằng trong quá khứ, các nhóm dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn đã chịu trách nhiệm cho nhiều vụ tấn công bằng tên lửa vào nhân viên hoặc cơ sở của Mỹ điều hành tại Iraq.
Một nhóm chiến binh Shiite ít được biến đến tự xưng là Saraya Awliya al-Dam đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công ngày 15/2. Một tuần sau, một cuộc tấn công tương tự bằng tên lửa nhằm vào Vùng Xanh của Baghdad dường như nhắm vào khu nhà của Đại sứ quán Mỹ nhưng không ai bị thương.
Trong tuần này, Iran đã khẳng định họ không có mối liên hệ nào với nhóm tự xưng Saraya Awliya al-Dam.
Tần suất các cuộc tấn công của các nhóm dân quân Shiite nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq đã giảm vào cuối năm ngoái ngay trước thời điểm ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ. Hiện nay, Iran đang thức ép Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran. Mỹ, dưới chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, đã đổ lỗi cho các nhóm đo Iran hậu thuẫn cho các vụ tấn công tương tự.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng lên sau khi Mỹ sử dụng máy bay không người lái tiến hành cuộc không kích nhằm sát hại tướng hàng đầu của Iran là Qassem Soleimani cũng như lãnh đạo dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis.
Khi còn tại nhiệm, Tổng thống Trump nói rằng cái chết của một nhà thầu quân sự Mỹ sẽ là lằn ranh đỏ và kích động sự leo thang quân sự của Mỹ ở Iraq. Vào tháng 12/2019, việc một nhà thầu quân sự Mỹ bị giết trong cuộc tấn công bằng tên lửa ở Kirkuk đã châm ngòi cho một cuộc chiến ăn miếng trả miếng trên đất Iraq, đưa đất nước đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Lực lượng Mỹ đã giảm xuống đáng kể tại Iraq khi chỉ còn 2.500 người và không tham gia vào các nhiệm vụ chiến đấu với các lực lượng Iraq trong cuộc chiến chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ có thể khiến chính sách ngoại giao của Mỹ thay đổi bước ngoặt so với 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Người ta có thể nhận thấy những chính sách thời ông Obama quay lại dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, người từng có 8 năm làm Phó Tổng thống dưới Chính quyền Obama.