Giới chức Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 9 đã ra quyết định tạm dừng việc tiếp nhận cũng như bàn giao F-35 cho các đối tác.
Quyết định được đưa ra sau khi nhà sản xuất Lockheed Martin chủ động báo cáo việc họ sử dụng một nam châm chứa hợp kim sản xuất tại Trung Quốc trong thành phần của chiến đấu cơ tàng hình F-35. Nam châm này do Honeywell International cung cấp và đã được sử dụng cho F-35 từ năm 2003.
Chỉ khoảng 1 tháng sau lệnh cấm nói trên, Lầu Năm Góc lại cho phép nhà sản xuất tiếp tục bàn giao chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho các đối tác như kế hoạch.
Quyết định này được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante ký và công bố hôm 8-10 (giờ Mỹ). Điều này đồng nghĩa nhà sản xuất Lockheed Martin vẫn sẽ bàn giao 126 chiếc F-35 cho đối tác theo hợp đồng đến ngày 31-10-2023.
"Quyết định cho phép tiếp tục triển khai các hợp đồng với F-35 là cần thiết vì lợi ích an ninh quốc gia" - Thứ trưởng LaPlante nhấn mạnh.
Mỹ đã cho phép tiếp tục bàn giao F-35 cho các đối tác dù máy bay có sử dụng hợp kim Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Giải thích thêm về pha "bẻ kèo" của mình, Văn phòng chương trình F-35 của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: "Hợp kim xuất xứ Trung Quốc không có sai sót kỹ thuật và không gây rủi ro an ninh cho chiến đấu cơ tàng hình hàng đầu của Mỹ".
Tuy nhiên, họ sẽ điều tra về an ninh chuỗi cung ứng và nguyên nhân vì sao hợp kim bị cấm không được Honeywell phát hiện.
Thực tế, luật pháp Mỹ và các quy định mua lại của Lầu Năm Góc cấm sử dụng các kim loại hoặc hợp kim đặc biệt được sản xuất tại Trung Quốc, Iran, Triều Tiên hoặc Nga.
Chương trình F-35 có hơn 1.700 nhà cung cấp từ khắp nơi trên thế giới, theo Lockheed. Nhà sản xuất cũng khẳng định Honeywell đã tìm được "nguồn thay thế của Mỹ" đối với hợp kim nói trên và sẽ dùng để sản xuất F-35 trong thời gian tới.