Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 5/2024 đạt 441,53 triệu USD, giảm 11,5% so với tháng 4/2024, nhưng tăng 11,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 2,13 tỷ USD, tăng 10% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 545,04 triệu USD, tăng 13,8% so với 5 tháng đầu năm 2023. Riêng tháng 5/2024, nước này xuất sang Việt Nam 158,94 triệu USD, tăng 9,7% so với tháng 4/2024 và tăng mạnh 91,9% so với tháng 5/2023.
Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 23,2%, đạt 493,68 triệu USD, tăng mạnh 75,8% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 5/2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 68,49 triệu USD, giảm 50% so với tháng 4/2024 nhưng tăng 45,5% so với tháng 5/2023.
Brazil là thị trường lớn thứ 3 trong tháng 5/2024 nhập khẩu tăng mạnh 131,3% so với tháng 4/2024 và tăng 27,3% so với tháng 5/2023, đạt gần 82,48 triệu USD; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu từ thị trường này tăng 35,6% so với 5 tháng đầu năm 2023; đạt trên 313,44 triệu USD, chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Đông Nam Á trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 38,5% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt gần 176,86 triệu USD, chiếm 8,3%. Nhập khẩu từ thị trường EU giảm mạnh 62,4%, đạt 60,21 triệu USD, chiếm 2,8%.
Hàng năm, Việt Nam dành nguồn ngân sách rất lớn để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì để phục vụ sản xuất trong nước. Ngành chăn nuôi tiêu thụ hơn 33 triệu tấn thức ăn mỗi năm, chủ yếu dành cho chăn nuôi gia cầm và lợn. Tuy nhiên, sản lượng nội địa chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu này.
Số liệu từ Cục Chăn nuôi cho thấy, sản lượng thức ăn công nghiệp năm 2023 ước đạt 20 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thức ăn cho heo chiếm 55,7%, thức ăn cho gia cầm chiếm 40,8% và thức ăn cho các vật nuôi khác chiếm khoảng 3,4%. Cơ cấu sản lượng thức ăn công nghiệp từ doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 62,5% và các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 37,5%.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay, nước ta có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi , trong đó có 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài.
Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước kém cạnh tranh là do sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài thường có chiến lược kinh doanh bài bản và áp dụng chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín, giúp tối ưu hóa hiệu quả hơn.