Khi chuẩn bị tổ chức lễ cưới vào năm nay, cặp đôi sống ở New York - Alexa Feneque và Silvio Tellez đã rút lại danh sách những món quà mà họ mong muốn cho ngắn gọn hơn. Họ từ chối nhận khăn tắm hay lọ đựng muối mà mọi người vẫn thường tặng và chỉ cần khách mang đến 1 điều.
Cặp đôi viết trong danh sách những món quà cưới mong muốn rằng: “Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để mua ngôi nhà đầu tiên và sẽ trân quý bất kỳ sự đóng góp nào cho điều đó.”
Nhờ chia sẻ đó, cặp đôi đã nhận được khoảng 30.000 USD và thể hiện cho xu hướng mới ở Mỹ, đó là nhận quà mừng cưới là tiền mặt để giúp họ thanh toán trước khoản thế chấp trong bối cảnh chi phí nhà ở tăng cao.
Các trang web tổ chức đám cưới như Zola và The Knot cho biết các cặp đôi đang ngày càng “dựa vào” đám cưới để nhận được quà bằng tiền mặt, nhằm hỗ trợ phần nào chi phí nhà ở thay vì nhận các vật dụng trong gia đình như thông thường.
Trên Zola - trang web được hơn 2 triệu cặp vợ chồng sử dụng kể từ khi ra mắt vào năm 2013, 75% người dùng cho biết món quà cưới mà họ muốn là… “phong bì”. Số lượng người có quan điểm như vậy đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019. Theo The Knot - khảo sát hơn 300.000 cô dâu, chú rể và khách mời, cùng các chuyên gia về đám cưới hàng năm, cho biết khoản tiền để giúp các cặp đôi mua nhà mới hoặc cải tạo nhà đã tăng 10% trong năm nay.
Esther Lee - phó tổng biên tập tại The Knot, cho biết: “Với tất cả những gì chúng tôi đang chứng kiến về thị trường bất động sản và lạm phát, mọi người đã trở nên thực tế hơn khi nói về quà cưới. Các cặp vợ chồng biết rằng giờ đây họ có thể nhận tiền mừng cưới để phần nào hỗ trợ kế hoạch mua nhà.”
Từ trước đến nay, quyền sở hữu nhà thường có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng hôn nhân, khi các cặp đôi lập gia đình. Tỷ lệ sở hữu nhà của các cặp vợ chồng là 79% vào năm 2020, so với tỷ lệ trung bình trên toàn nước Mỹ là 66%.
Sau mùa cưới nhộn nhịp nhất 40 năm, các cặp đôi mới cưới đang bắt đầu đi tìm nhà trong năm nay. Họ phải đối mặt với giá nhà tăng kỷ lục trong thời kỳ đại dịch và lãi suất tăng cao. Lãi suất thế chấp ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm nay khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo Freddie Mac, khoản thế chấp có lãi suất cố định trung bình trong 30 năm đã đạt mức cao nhất trong 14 năm là 6,29% trong tuần kết thúc ngày 22/9, tăng từ mức trung bình 2,88% vào năm ngoái. Khoản thanh toán thế chấp trung bình ở Mỹ vào tháng 8 là 1.893 USD, tăng 43% so với 1 năm trước, theo dữ liệu từ Mortgage Bankers Association.
Trong bối cảnh đó, các vị khách đám cưới dường như cũng nhận ra những trở ngại mà các cặp đôi mới cưới phải đối mặt khi có kế hoạch sở hữu ngôi nhà riêng. Họ đã đóng góp trung bình 175-200 USD cho các cặp đôi, so với mức trung bình 100-175 USD cho “quà tặng” trăng mật thường thấy, theo dữ liệu từ Zola.
Camille Hemming và chồng.
Camille Hemming - giám đốc thương hiệu 31 tuổi đến từ Michigan, cho biết cô và chồng đã nhận được 10.000 USD “quà cưới” để thanh toán cho khoản thế chấp. Cặp đôi ban đầu đã tổ chức đám cưới nhỏ chỉ với 12 khách vào tháng 8/2020, sau đó một lần nữa tổ chức với sự tham gia của 200 người và có ban nhạc trình diễn vào năm 2021.
Camille chia sẻ, gần 1/3 khách mời đã tặng tiền mặt thay vì mang đến những món quà như thường lệ. Cô nói: “Đám cưới là một trong những dịp mà bạn nhận được rất nhiều quà tặng và mọi người đều sẵn sàng giúp bạn đầu tư vào chính mình và gia đình bạn.”
Quà cưới là “phong bì” được coi là thiết thực hơn đối với các cặp vợ chồng ở thời kỳ hiện đại - những người có xu hướng kết hôn muộn hơn và tự lo phần lớn chi phí đám cưới. Gần 3/4 các cặp vợ chồng trên Zola cho biết họ đang tiết kiệm để mua nhà cùng thời điểm phải chi nhiều tiền để tổ chức đám cưới.
Alexa nói rằng, cô thấy nhẹ nhõm phần nào khi giá nhà ở khu vực mình đang “nhắm đến” bắt đầu giảm. Cô đã chờ đợi 2 năm sau khi đính hôn để chính thức kết hôn vào tháng 2 và hy vọng sẽ mua được nhà vào cuối năm nay. Cô nói: “Chúng tôi không muốn trì hoãn thêm nữa. Chúng tôi muốn lập gia đình và tiếp tục nỗ lực.”
Tham khảo Financial Times