Hôm 23/4 vừa qua, Thượng viện Mỹ hoàn tất bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance hoặc sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
Do lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc giám sát họ bằng ứng dụng này, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật lưỡng đảng vào ngày 20/4, cho phép ByteDance có 9 tháng để thoái vốn khỏi TikTok và có thể gia hạn thêm 3 tháng. Nếu dự luật được Thượng viện thông qua, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký thành luật.
Việc cấm TikTok tại Mỹ, hoặc để tồn tại một phiên bản chất lượng thấp hơn (do Bắc Kinh ngăn chặn chuyện bán thuật toán quan trọng), có thể là cơ hội với hàng loạt đối thủ khác như YouTube, Google, Instagram... khi rất nhiều người dùng, khách hàng sẽ "nhảy" khỏi nền tảng này để tìm kiếm bến đỗ mới. Điều này cũng đồng thời giáng đòn mạnh vào tham vọng toàn cầu của ByteDance.
Về phía TikTok, trong một thư ngỏ gửi đến AFP, một phát ngôn viên của mạng xã hội này cho rằng cấm TikTok tức là "xâm phạm quyền tự do biểu đạt" của 170 triệu người Mỹ, và luật cấm TikTok "sẽ tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng vốn dĩ đóng góp 24 tỉ đô la mỗi năm cho kinh tế Mỹ". TikTok cũng đã dọa đưa vụ việc ra tư pháp Mỹ. Trước đây, tư pháp Mỹ cũng đã từng xử TikTok thắng trong một vụ tương tự hồi năm 2020 dưới thời tổng thống Donald Trump.
Mới nhất ngày hôm qua 29/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể thực hiện các biện pháp đáp trả liên quan việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật viện trợ nước ngoài 95 tỉ USD hồi 24/4, theo đài CGTN.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng lợi ích cốt lõi và những mối quan ngại lớn của Trung Quốc, không thực hiện những điều khoản tiêu cực liên quan Trung Quốc. Nếu không, Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chúng tôi", ông Lâm nhấn mạnh.
Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích đề xuất cấm cửa TikTok tại Mỹ là "hành vi bắt nạt", xuất phát từ một bên không thấy cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh sòng phẳng.
Luật viện trợ của Mỹ có nội dung sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan và buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance (sở hữu Trung Quốc) nếu không ứng dụng chia sẻ video này sẽ bị cấm trên toàn nước Mỹ.
Theo ông Lâm, đạo luật viện trợ này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và ba thông cáo chung Mỹ-Trung, đồng thời gửi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng đến các lực lượng ly khai ở Đài Loan.
Không chỉ TikTok mà nhìn chung, các công ty Trung Quốc và việc vận hành ứng dụng của họ tại Mỹ đều đang đối diện với thách thức ngày càng gia tăng.