Sau khi chạm ngưỡng cao nhất 7 tuần, giá dầu giảm 2% trong phiên giao dịch 17/5 trước thông tin Mỹ sẽ nới lỏng một số quy định hạn chế đối với chính phủ Venezuela, làm gia tăng triển vọng nguồn cung dầu trên thị trường.
Giá dầu cũng giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ nỗ lực kéo giảm lạm phát của cơ quan này.
Lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, giá dầu Brent chốt phiên thấp hơn dầu WTI. Các doanh nghiệp lọc dầu trên toàn cầu đang gặp khó trong quá trình tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế Nga sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Dự trữ dầu của Mỹ đang trên đà giảm, là động lực giúp thúc đẩy giá dầu tại Mỹ tăng lên trong thời gian qua, theo Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates.
Giá dầu Brent giảm 2,31 USD, tương đương 2%, xuống 111,93 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,8 USD, tương đương 1,6%, còn 112,4 USD/thùng.
Ông Powell chia sẻ rằng nước Mỹ có thể phải hy sinh một số lợi ích kinh tế nhằm kéo giảm lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ “tiếp tục siết” chính sách tiền tệ cho tới khi nào lạm phát có chiều hướng đi xuống, ông nói.
“Những phát biểu như vậy khiến cho sức mua trên thị trường dầu giảm xuống”, theo Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ sớm ủy quyền cho Chevron Corp đàm phán với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, theo ghi nhận của Reuters. Mỹ vẫn chưa quyết định tiếp tục gia hạn chứng nhận hoạt động tại Venezuela của Chevron, theo một nguồn thạo tin.
Giá dầu đang trên xu hướng tăng sau khi nguồn cung dầu từ Nga bị “bóp nghẹt” bởi một loạt các lệnh trừng phạt, và trước triển vọng kinh tế ảm đạm khi Nga cũng có những biện pháp trả đũa.
Sản lượng dầu của Nga giảm 9% trong tháng 4. Quốc gia này, một thành viên của nhóm OPEC+, hiện đang khai thác dưới mức mục tiêu của khối.
Trong tháng này, khối lượng dầu (không phải của Nga) nhập khẩu qua cảng Gdansk của Ba Lan tăng cao nhất trong ít nhất 7 năm qua, khi các doanh nghiệp lọc dầu tại khu vực Đông Đức và Ba Lan thay đổi nhà cung cấp.
“Suy cho cùng, đây vẫn là một câu chuyện cung-cầu”, theo Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích tới từ City Index. “Trừ khi OPEC và đồng minh của mình gia tăng nhanh sản lượng, sẽ rất khó để giá dầu có thể thực chất đi xuống”.
Các Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể thuyết phục Hungary đồng ý với kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Nhưng một số quan chức lạc quan vào khả năng lệnh cấm sẽ được thông qua trong kỳ họp thượng đỉnh tổ chức trong ngày 30-31/5 tới.
Hoạt động khai thác dầu tại Venezuela. Ảnh: Reuters.
Kim loại quý
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch 17/5 sau khi Mỹ công bố dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực khiến nhà đầu tư lo lắng về khả năng xảy ra các đợt tăng lãi suất mạnh tiếp theo của Fed, giúp đẩy giá đồng USD lên cao.Kim loại quý
Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.821,09 USD/ounce tại thời điểm 13h27 giờ ET. Giá vàng tương lai tại Mỹ tăng 0,3% lên 1.819,7 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng trong tháng 4, cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân quốc gia này vẫn ở ngưỡng cao dù phải đối mặt với lạm phát và rủi ro nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Giá vàng phải chịu không ít áp lực khi thông tin trên được công bố, theo Ryan McKay, Chiến lược gia thị trường hàng hóa tới từ TD Securities.
“Sự quan tâm đối với thị trường kim loại quý đang có xu hướng giảm xuống. Và đó là thông tin không đối đối với giá vàng trong tương lai”, McKay bổ sung.
“Giá vàng giống như một cọng lông. Nó giao động qua lại và nương nhiều vào những diễn biến mới nhất của thị trường”, Chuyên gia phân tích độc lập Ross Norman chia sẻ.
Phản ánh diễn biến tâm lý của nhà đầu tư, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của SPDR Gold Trust đang ở ngưỡng thấp nhất từ đầu tháng 3.
Giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 21,71 USD/ounce.
Giá platinum tăng 0,7% lên 952,47 USD. Giá palladium tăng 0,6% lên 2.038,74 USD/ounce.