Thông cáo chung giữa lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC), Pháp, Đức, Italy, Vương quốc Anh, Canada, và Mỹ ngày 26/2 (giờ địa phương) nêu:
"Chúng tôi cam kết rằng những ngân hàng Nga được xác định sẽ bị ngắt kết nối khỏi hệ thống SWIFT . Điều này sẽ bảo đảm rằng các nhà băng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến khả năng vận hành toàn cầu của họ."
Lệnh cấm vận mới được ban hành trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 4.
Dù chưa hoàn toàn khai trừ Nga khỏi SWIFT, việc loại một số ngân hàng nhất định của nước này cũng được coi là biện pháp cấm vận mạnh mẽ nhất của phương Tây đến thời điểm này nhằm vào Moskva.
SWIFT cung cấp dịch vụ tin nhắn cho các ngân hàng ở hơn 200 nước và được quản lý bởi các ngân hàng trung ương của nhóm G-10 (gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ và Thụy Điển).
Biện pháp ngắt kết nối SWIFT từng được áp đặt với các ngân hàng ở Iran bị EU trừng phạt vào các năm 2012 và 2018.
Theo tuyên bố chung nói trên, các nước hứa hẹn sẽ áp đặt "các biện pháp hạn chế" nhằm "ngăn chặn Ngân hàng trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế của họ theo cách làm giảm tác động của các lệnh cấm vận".
Tuyên bố cũng cam kết hạn chế những "hộ chiếu vàng" cho phép giới nhà giàu có liên hệ với chính phủ Nga trở thành công dân các nước này.
RT (Nga) dẫn thông cáo từ Nhà Trắng, tuyên bố Nga đã trở thành "kẻ bị ruồng bỏ" của nền kinh tế và tài chính toàn cầu khi bị áp các lệnh trừng phạt được hơn 30 quốc gia ủng hộ.
Đặc biệt, Nhà Trắng tin rằng Trung Quốc sẽ không ra mặt để hỗ trợ Nga và Bắc Kinh sẽ tôn trọng sức mạnh của các lệnh cấm vận từ Mỹ.
Theo Ria Novosti (Nga), Ủy ban châu Âu đánh giá việc ngắt kết nối các nhà băng Nga với SWIFT sẽ "phong tỏa một cách thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu của Nga". Theo đó, Ngân hàng trung ương Nga sẽ bị ngăn chặn dùng vàng và dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng rúp.