Rạng sáng 6/8 theo giờ Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi đồng tiền của Trung Quốc hôm 5/8 được điều chỉnh vượt qua "làn ranh đỏ" 1 USD đổi 7 nhân dân tệ (CNY) lần đầu tiên trong vòng 11 năm.
Trước sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ chịu những tác động như thế nào và nên làm gì vào lúc này là câu hỏi được nhiều người đặt ra, cũng đã có nhiều ý kiến trả lời của giới phân tích, nghiên cứu. Để thêm ý kiến đa chiều, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính về vấn đề này.
PV: Thưa ông, sau động thái của Mỹ, đồng CNY có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới nữa hay không, nhất là sau khi bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ?
Việc Mỹ chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ có lẽ chỉ mang tính hình thức. Quyết định này được đưa ra sau khi NHTW Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá USD/CNY nên nó không có nhiều ý nghĩa. Nguyên nhân chính dẫn đến những biến động của đồng nhân dân tệ thời gian qua vẫn là việc Mỹ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, không kể 250 tỷ USD hàng hóa đã bị áp thuế 25% trước đó, và đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang lên một nấc mới.
Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, một mặt là để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, mặt khác là để thể hiện sự cứng rắn của mình trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với Đô la Mỹ đã tương đối ổn định ở mức trên 7 USD/CNY trong mấy ngày qua. Diễn biến này cho thấy Trung Quốc đang can thiệp để ổn định tỷ giá nhằm tránh sự tháo chạy của các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như hạn chế kỳ vọng đồng nhân dân tệ mất giá mạnh có thể khiến người dân trong nước gia tăng tích trữ ngoại tệ. Trong thời gian tới xu hướng tỷ giá đồng nhân dân tệ tiếp tục ổn định ở mức trên 7 CNY đổi 1 USD nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì, nếu Mỹ không đưa ra các chính sách mới làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa 2 nước.
Sự đáp trả qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều ngày qua có được xem như một cảnh báo cho một cuộc chiến tranh tiền tệ sắp tới? Ông nghĩ gì về khả năng này?
Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ sử dụng tỷ giá như một công cụ để đe dọa Mỹ trong cuộc chiến thương mại, bởi nó không có nhiều tác dụng. Nền kinh tế Mỹ nói chung và thị trường tài chính, tiền tệ của Mỹ nói riêng có khả năng thích ứng rất tốt với những biến động lớn để nhanh chóng tìm lại sự cân bằng. Do đó những thay đổi của đồng nhân dân tệ sẽ chỉ có tác động tức thời tới nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc lại quen với sự ổn định nên những biến động lớn về tài chính, tiền tệ có thể sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực lâu dài. Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, nhiều khả năng, là để phòng thủ trước các đợt tấn công của Mỹ, chứ không phải ngược lại. Tất nhiên, khi đồng nhân dân tệ mất giá, nhiều đồng tiền trong khu vực cũng sẽ dao động theo. Mặc dù vậy, việc Trung Quốc có động cơ để ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD sẽ giúp ngăn cản chiến tranh tiền tệ xảy ra.
Trung Quốc phá giá nhân dân tệ có thể tác động tới tỷ giá, xuất nhập khẩu của Việt Nam như thế nào?
Trên thị trường Mỹ, việc đồng nhân dân tệ giảm giá vài phần trăm sẽ khó có thể bù đắp được thiệt hại từ mức thuế quan tăng 10%. Nhưng trên các thị trường khác mức tỷ giá mới sẽ hỗ trợ hàng hóa Trung Quốc nhiều hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào quy mô tổng cầu của thế giới và trong nước. Tỷ giá có tác động tới xuất nhập khẩu, nhưng chỉ mang tính thứ yếu.
Vậy Việt Nam nên ứng xử như thế nào sau khi những biến động vừa qua? Và nếu thực sự chiến tranh tiền tệ xảy ra, chúng ta có gì để ứng phó?
Trong thời gian qua, Mỹ đã tăng thuế vài lần và đồng nhân dân tệ cũng đã có vài lần mất giá mạnh cùng với các đồng tiền khác trong khu vực. Nhưng bất chấp những biến động này, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, cho dù tỷ giá được ổn định. Kinh nghiệm này cho thấy Việt Nam không cần điều chỉnh tỷ giá theo tỷ lệ 1:1 với các nước khác. Duy trì tỷ giá ổn định, lạm phát thấp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là phá giá mạnh để thúc đẩy xuất khẩu.
Hiện tại, quy mô xuất khẩu của Việt Nam đã lớn hơn 100% GDP. Bởi vậy, nhiều khả năng đối với một số ngành nghề tăng xuất khẩu sẽ đòi hỏi phải tăng nhập khẩu theo tỷ lệ 1:1, tức là về thực chất là xuất khẩu hộ các nước khác. Hơn nữa, tăng trưởng của Việt Nam hiện cũng đang ở mức cao so với tiềm năng, nên việc tăng xuất khẩu bằng chính sách tỷ giá không thực sự cấp bách, nhất là đối với các hàng hóa có giá trị gia tăng thấp.
Thực tiễn trong khoảng 3-4 năm trở lại đây cho thấy, chính sách tỷ giá bò trườn của Việt Nam vẫn đang hoạt động tốt, vừa đảm bảo ổn định trong ngắn hạn nhưng vẫn duy trì được sự linh hoạt trong dài hạn. Bởi vậy, NHNN sẽ không có lý do gì để không tiếp tục chính sách tỷ giá hiện nay cho dù đồng nhân dân tệ và các đồng tiền khác trong khu vực biến động mạnh.