Kể từ khi đảng Dân chủ đề xuất một gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD vào tháng Giêng, phe diều hâu trong chính trường Mỹ đã cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đang tăng trưởng quá nóng. Tuy nhiên chính quyền Biden vẫn tiếp tục tung ra những gói kích thích khổng lồ. Lời cảnh báo mới nhất vừa được phát ra bởi Larry Summers, cựu chủ tịch Fed, cho rằng có nhiều khả năng nền kinh tế sẽ chịu tác động của lạm phát tăng cao hoặc do tác động của lãi suất cao hơn. Theo ông, Mỹ có chính sách kinh tế vô trách nhiệm nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Bức tranh lạm phát xấu nhất được vẽ ra bởi phe bảo thủ có thể được chia thành nhiều giai đoạn. Thứ nhất, lạm phát sẽ sớm tăng lên một cách cơ học kể từ thời điểm mùa xuân năm 2020, khi mà nền kinh tế và giá cả hàng hóa sụt giảm so với một năm trước đó. Về quan điểm này mọi người đều tán thành.
Giai đoạn tiếp theo là làn sóng lạm phát thứ hai khi chi tiêu của những người tiêu dùng đã được tiêm chủng phục hồi nhanh hơn so với khả năng sản xuất có thể theo kịp. Ngay cả những người ủng hộ các biện pháp kích thích cũng thừa nhận rằng việc tăng trưởng quá nóng cũng là một rủi ro. Rủi ro càng lớn khi ngân sách thâm hụt nặng nề - điều chắc chắn xảy ra sau khi tung ra một loạt gói kích thích tài khóa khổng lồ. Mặc dù ông Biden đã có kế hoạch tăng thuế nhưng chừng đó là chưa đủ.
Đây là pha cuối cùng trong mốc thời gian tranh cãi được gọi với cái tên "ngày tận thế", trong đó tình trạng lạm phát tạm thời sẽ chuyển thành vĩnh viễn khi kỳ vọng lạm phát tăng của công chúng ngày một tăng lên. Dự đoán chi phí sinh hoạt tăng, người lao động sẽ yêu cầu mức lương cao hơn; và dẫn tới việc các công ty tăng giá nhằm dự phòng cho tương lai. Kết quả là lạm phát sẽ quay trở lại mức 5% như cuối những năm 1960, hoặc thậm chí có thể đạt tới mức 10% như những năm 1970.
Trong những thập niên gần đây, sự kiềm soát của Fed đối với kỳ vọng lạm phát dường như cứng rắn hơn. Ngay cả trong năm 2019, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu chưa từng có kể từ thời điểm những năm 1960, kỳ vọng lạm phát vẫn không ảnh hưởng nhiều. Về lý thuyết, điều đó làm cho mọi biến động về lạm phát chỉ mang tính chất tạm thời. Jerome Powell, Chủ tịch Fed, cho biết: "Với [kỳ vọng lạm phát] được giữ ở mức 2% là điều sẽ giúp chúng tôi có khả năng đưa ra các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ khi nền kinh tế yếu kém".
Nhưng lạm phát sẽ được neo mạnh đến mức nào? Có ít nhất ba loại kỳ vọng lạm phát: kỳ vọng lạm phát sẽ được định đoạt theo thị trường tài chính; loại kỳ vọng xuất hiện trong các cuộc điều tra hộ gia đình và doanh nghiệp; và loại kỳ vọng của những nhà dự báo chuyên nghiệp.
Nhưng kỳ vọng của thị trường đã bị đánh lừa. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên khoảng 1,7%, so với mức 0,5% vào đầu tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, mức kỳ vọng lạm phát đi liền với các mức lợi suất này vẫn phù hợp với mục tiêu của Fed. Một vấn đề lớn hơn đó là "rủi ro đuôi" (tail risk). William Marshall của ngân hàng Goldman Sachs tính toán rằng phần bù rủi ro lạm phát ngụ ý đã tăng lên. Theo Minneapolis Fed, xác suất để mức lạm phát trung bình vượt quá 3% mỗi năm trong vòng 5 năm tới là trên 30%. Điều này không có nghĩa là lạm phát sẽ diễn biến như những gì đã xảy ra vào những năm 1970, nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho Fed.
Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng kỳ vọng làm phát dựa trên khảo sát quan trọng hơn loại đầu tiên. Kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình không thay đổi nhiều, mặc dù người tiêu dùng, như các nhà đầu tư, đã trở nên ít chắc chắn hơn về tương lai. Điều nguy hiểm là công chúng có am hiểu về thị trường kém hơn và do đó kỳ vọng của họ cũng thay đổi.
Ngay cả các công ty dường như cũng không quan tâm mấy đến lạm phát. Khi Olivier Coibion của Đại học Texas và ba đồng tác giả tiến hành cuộc khảo sát với các giám đốc điều hành hàng đầu vào tháng 4 năm 2018, 55% nói rằng họ không biết lạm phát sẽ như thế nào trong năm tới. Người tiêu dùng dường như cũng bị ảnh hưởng quá mạnh bởi giá xăng dầu.
Các nhà dự báo chuyên nghiệp có thể mang lại cho ông Powell sự thoải mái nhất. Họ gần như nhất trí và tin tưởng vào những gì Fed nói về dài hạn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Livingston, khi nền kinh tế phát triển quá nóng vào cuối những năm 1960, các nhà dự báo đã quá chậm trễ.
Một phần lý giải cho vấn đề này là bởi chính việc dự báo lạm phát là một công việc rất khó khăn. Goldman Sachs tính toán rằng ngay cả với các phương pháp được cải tiến đáng kể, sau hai năm, mức lạm phát dự báo trung bình sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm. Joseph Gagnon của Viện Peterson cho rằng Fed nên hứa hẹn một mức lãi suất cao hơn "đáng kể" nếu lạm phát tăng và không giảm trở lại. Nhưng nếu Fed hứa hẹn quá sớm thì niềm tin của doanh nghiệp và người dân sẽ bị vùi dập.
Dẫu vậy, có thể cho rằng Fed đang muốn gạt đi những ý kiến cho rằng họ sẽ giải quyết tình trạng kinh tế phát triển quá nóng bằng cách tập trung vào nhiệm vụ của mình là đảm bảo một thị trường việc làm phát triển mạnh, giảm bất bình đẳng. Điều này khiến chúng ta khó có thể tưởng tượng rằng ngân hàng trung ương sẽ "nghiền nát" lạm phát bằng cách kiến tạo một cuộc suy thoái, như điều đã xảy ra vào những năm 1980. Vì vậy, nếu có đủ người nghi ngờ giải pháp của Fed, cánh cửa dẫn đến lạm phát cao hơn vẫn sẽ rộng mở.
Tham khảo Economist