Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-12 (giờ địa phương) công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ra lệnh Bộ Ngoại giao bắt đầu thủ tục chuyển Đại sứ quán Mỹ từ TP Tel Aviv đến thành phố này.
Phản đối quyết liệt
Giới chức Nhà Trắng cho biết quyết định trên của tổng thống Mỹ một phần dựa vào sự tin tưởng rằng động thái đó có thể thực sự có lợi cho việc đạt được một thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine. Một nguồn tin tiết lộ với kênh ABC News rằng ông chủ Nhà Trắng không muốn "làm tổn hại" kết quả của bất kỳ cuộc hòa đàm nào trong tương lai giữa Israel và Palestine về giải pháp 2 nhà nước.
Trước khi đưa ra quyết định trên, Tổng thống Trump đã gọi điện cho các nhà lãnh đạo Palestine, Jordan, Ai Cập, Ả Rập Saudi để thông báo. Ngay lập tức, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Quốc vương Jordan Abdullah II lên tiếng cảnh báo động thái như vậy sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với tiến trình hòa bình Israel - Palestine và an ninh, ổn định trong khu vực cũng như thế giới.
Theo kênh Al Jazeera, Quốc vương Abdullah cũng đã gọi điện cho ông Abbas nói rằng họ phải hợp tác với nhau để "đương đầu với các hậu quả của quyết định trên".
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã ra tuyên bố cảnh báo Tổng thống Trump không nên "có những bước đi làm hủy hoại cơ hội hòa bình ở Trung Đông".
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman nói thẳng rằng "bất cứ thông báo của Mỹ liên quan đến Jerusalem trước khi đạt được thỏa thuận đều gây thiệt hại cho cuộc hòa đàm và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".
Cứng rắn hơn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyib Erdogan dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel nếu ông Trump thực hiện kế hoạch nêu trên. "Jerusalem là lằn ranh đỏ đối với người Hồi giáo" - ông Erdogan nhấn mạnh.
Hậu quả khôn lường
Năm 1995, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật yêu cầu chuyển đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem nhưng tất cả đời tổng thống Mỹ đến giờ đều ký sắc lệnh hoãn việc dời đại sứ quán này mỗi 6 tháng một lần vì lý do điều này có lợi cho an ninh quốc gia.
Ông Trump cũng một lần ký sắc lệnh này hồi tháng 6 qua và sẽ tiếp tục có bước đi này cho đến khi việc dời đại sứ quán hoàn tất. Theo một số quan chức Mỹ, quá trình này có thể mất vài năm. Trang Axios cho rằng ông Trump có lẽ phải tái đắc cử nếu muốn đích thân khánh thành đại sứ quán mới tại Jerusalem.
Trong bối cảnh dư luận quan ngại về mối đe dọa bạo lực đối với công dân Mỹ ở nước ngoài sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một quan chức Mỹ tiết lộ Washington đã sẵn sàng bảo đảm an ninh cần thiết.
Báo USA Today đưa tin Lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem kêu gọi nhân viên chính phủ và gia đình không đến khu vực thành cổ ở Jerusalem và bờ Tây trong những ngày tới do lo ngại xảy ra biểu tình. Ngoài ra, theo hãng tin Tass, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai các đơn vị đặc nhiệm đến biên giới các nước có thể xảy ra hỗn loạn sau khi Tổng thống Trump có bước đi gây tranh cãi nói trên.
Tổ chức Hamas - nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 đến tháng 10 năm nay - đã kêu gọi tiến hành một cuộc nổi dậy khác nữa nếu kế hoạch của ông Trump được xúc tiến. Các nước Ả Rập và giới chức Palestine cũng cảnh báo hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra nếu Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, kể cả một cuộc nổi loạn và kết thúc quá trình đàm phán.
Ông Yousef Munayyer, Giám đốc điều hành Tổ chức Vận động cho quyền của người Palestine (Mỹ), nhận định với tờ USA Today rằng việc thay đổi quy chế của Jerusalem - được xem là thánh địa của người Do Thái, Hồi giáo và Cơ đốc giáo - có thể bị những kẻ quá khích lợi dụng cho luận điệu chống phương Tây.
Ngoài ra, theo ông Munayyer, Iran có thể tận dụng vấn đề để thúc đẩy ảnh hưởng và sức mạnh, giúp nước này giành được nhiều thiện cảm hơn so với các đồng minh của Mỹ tại khu vực.
Bài toán nan giải
Quy chế cuối cùng của TP Jerusalem lâu nay vẫn là một trong những câu hỏi khó và nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel. Trong lúc Israel gọi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không thể bị chia cắt thì người Palestine, được sự hậu thuẫn của phần còn lại của thế giới Ả Rập và Hồi giáo, lại xem phần phía Đông của thành phố này là thủ đô của một nhà nước trong tương lai.
Đông Jerusalem chính là khu vực rơi vào tay Israel trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Trước đó, Israel đã giành quyền kiểm soát phần phía Tây thành phố sau cuộc chiến với một liên minh quân sự các nước Ả Rập năm 1948. Điều đáng nói là cuộc chiến này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua kế hoạch phân vùng Palestine, theo đó hình dung Jerusalem là một "thành phố quốc tế" riêng biệt.
Theo trang Metro, cuộc tranh cãi giữa Israel và Palestine chủ yếu xoay quanh thành cổ, một khu vực có diện tích 0,9 km2 được bao bọc bởi tường thành nằm bên trong TP Jerusalem hiện đại. Đây là nơi tập trung những nơi linh thiêng hàng đầu của cả Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Dù Israel kiểm soát Jerusalem và đặt chính phủ ở đó, việc sáp nhập Đông Jerusalem không được cộng đồng quốc tế công nhận. Quan điểm chung của các nước là vị thế cuối cùng của Jerusalem nên được định đoạt thông qua thương thảo.
Cộng đồng quốc tế cũng chính thức xem Đông Jerusalem là lãnh thổ chiếm đóng và không nước nào công nhận bất kỳ phần nào của Jerusalem là thủ đô của Israel. Riêng có Nga hồi tháng 4-2017 công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel. Cho đến giờ, mọi đại sứ quán nước ngoài ở Israel đều đóng tại TP Tel Aviv.
Những tranh cãi nói trên khiến khoảng 420.000 người Palestine sống tại Đông Jerusalem rơi vào tình trạng bị lãng quên về pháp lý - họ không có nhà nước và không phải công dân của Israel, Jordan hoặc Palestine. Mặt khác, các dự án định cư của Israel ở Đông Jerusalem cũng bị luật pháp quốc tế xem là trái phép. Nhiều người xem đây là động thái của Israel nhằm củng cố quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này. Theo đài Al Jazeera, khoảng 200.000 công dân Israel đang sống ở Đông Jerusalem trong sự bảo vệ của binh sĩ và cảnh sát.
Cuộc xung đột giữa Israel với Palestine nói riêng và với các nước Ả Rập nói chung sẽ không bao giờ có giải pháp chừng nào bài toán Jerusalem chưa có lời giải.
Hoàng Phương